Một quan chức chóp bu của Nhà Trắng ngày 8/9 thừa nhận cho tới nay, Mỹ vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục về vụ sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hôm 21/8 vừa qua. Người dân Mỹ biểu tình để phản đối kế hoạch của chính quyền nước này tấn công quân sự Syria. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trả lời phỏng vấn trên chương trình truyền hình "Fox News Sunday", Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough thừa nhận việc các nghị sỹ và dân chúng Mỹ vẫn còn hoài nghi là điều dễ hiểu vì chính quyền của Tổng thống Barack Obama cho tới nay vẫn chưa có những bằng chứng "không thể chối bỏ" nhưng vẫn khẳng định chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là bên "chịu trách nhiệm" cho vụ sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/8 làm 1.429 người chết, trong đó có 426 trẻ em.
Ông cho biết thêm một cuộc chiến nhằm vào Syria, nếu Tổng thống Obama ra lệnh, sẽ không giống như các chiến dịch quân sự kéo dài như với Iraq hoặc Afghanistan và cũng sẽ không có sự tham gia của bộ binh. Về khả năng Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết ủng hộ chủ trương phát động chiến tranh của chính quyền, Chánh văn phòng Nhà Trắng nói rằng còn quá sớm để dự báo chủ trương này sẽ nhận đủ 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết tại lưỡng viện Quốc hội.
Trong một diễn biến khác, tại Pháp, trong bối cảnh bị cô lập trên trường quốc tế và bị phe đối lập trong nước phản đối về lập trường đối với Syria, Tổng thống Pháp François Hollande tiếp tục nhận thêm một tin xấu. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do hãng Ifof thực hiện trong tháng 9 cho nhật báo "Le Figaro" cho thấy 64% người dân Pháp được hỏi trả lời phản đối can thiệp quân sự vào Syria.
Trước đó, tỷ lệ người Pháp phản đối tấn công Syria thường dao động từ 41 - 49%. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất trong vấn đề này đã làm thay đổi tình hình. Sau việc Nghị viện Anh phản đối chính phủ tham gia vào chiến dịch “trừng phạt” chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định tham khảo ý kiến của Quốc hội, Chính phủ Pháp rơi vào tình thế hết sức tế nhị và bị cô lập bên cạnh Mỹ tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20).
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao thân cận với Phủ Tổng thống Pháp đánh giá dư luận có xu hướng phản đối chiến tranh là điều hết sức bình thường. Ông giải thích “nếu người ta hỏi bạn có ủng hộ chiến tranh hay không, thì bạn thường hay nói là không”. Bên cạnh đó, cuộc chiến tại Iraq, Libya đã gây ra tâm lý chán nản và lo ngại bị sa lầy. Tất cả những luận điểm đó ông Hollande đã thấy ngay được từ các đối tác của Pháp tại hội nghị G-20 nhưng không thể khiến Tổng thống Pháp thay đổi quyết định.
T.N