Đây là nội dung trong báo cáo do Văn phòng thẩm định trách nhiệm chính phủ (GAO) Mỹ công bố hôm 16/2. Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) tiếp tục chi hàng tỉ USD vào các công nghệ, thiết bị mà cho đến nay chưa thể đối chọi hiệu quả với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ các nước thiếu thân thiện – GAO bình luận.
Theo Văn phòng này, dù giới chức quân sự Mỹ tuyên bố hệ thống phòng thủ hiện hành có khả năng bảo vệ đất nước “trước một số ít” các mối đe dọa tên lửa đạn đạo phóng từ Iran hay Triều Tiên, việc thử nghiệm và trang bị không chứng tỏ điều đó. Tình hình có thể sẽ nghiêm trọng hơn khi mà MDA đang phải “vật lộn” phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả, còn Iran và Triều Tiên tiếp tục có những bước tiến về công nghệ tên lửa đạn đạo tiên tiến.
Một cuộc bắn thử nghiệm tên lửa thuộc chương trình GMD. Ảnh: Boeing.com |
Mỹ sẽ cần phái tái thiết kế, tái thử nghiệm các thiết bị cấu thành chủ chốt trong hệ thống phòng thủ tầm trung mặt đất (GMD). Nguyên do là bởi mục tiêu hoàn tất, đưa vào sử dụng 44 tổ hợp đánh chặn vào cuối năm 2017 theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhiều khả năng sẽ thất bại. Theo GAO, các cuộc bắn thử nghiệm trên không mà MDA tiến hành cho thấy GMD chưa đủ sức bảo vệ nước Mỹ trước các nguy cơ hiện nay, do hệ thống mới chỉ chứng tỏ được “một phần khả năng” đánh chặn thành công một số lượng ít các tên lửa đạn đạo đơn giản. Quá trình thử nghiệm trên không chưa đạt mức cần thiết để kiểm định tiềm lực phòng thủ hiệu quả và tựu chung lại hệ thống chưa hoàn thiện tính đến thời điểm hiện nay, báo cáo của GAO nhìn nhận.
Hồi tháng 1/2016, giới chức Mỹ chịu trách nhiệm thẩm định GMD nói rằng các đánh giá của họ đối với hệ thống này “chưa có thay đổi”. Là cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cập nhật những bước tiến về hệ thống tên lửa, thế nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ đã không thể giải thích rốt ráo câu hỏi mạng phòng thủ sẽ được cải tiến như thế nào trong những năm tới. Báo cáo của Lầu Năm góc không giải đáp được những thắc mắc về đánh giá các lựa chọn nâng cấp hệ thống phòng thủ quốc gia và không được đệ trình đúng hạn - GAO cho biết.
Báo cáo của GAO cũng nói rằng, MDA không chứng minh được rằng GMD có thể vận hành những năng lực thiết yếu nhất khi đánh chặn các đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo trên thực tế. Đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống có khả năng tiêu diệt một mục tiêu là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cũng như năng lực huy động hai hay nhiều tổ hợp đánh chặn một mục tiêu cùng lúc.
Hàng chục tỉ USD đã được đổ vào GMD và sẽ còn phải chi nhiều tỉ USD nữa để sửa chữa những bất cập còn tồn tại; thiết kế hệ thống hiện hành sẽ phải sửa lại toàn bộ để nâng cao khả năng vận hành. Đi liền theo đó là mối nguy MDA buộc phải có những nỗ lực vội vàng mà hệ quả là tạo ra những sản phẩm mắc lỗi – GAO nhận định. Cơ quan này nói rằng MDA đang dựa vào một bản kế hoạch quá tự tin, quá hiếu thắng, không phận định rõ khâu phát triển - thử nghiệm với sản xuất; làm gia tăng nguy cơ đối với binh sĩ, khiến các thử nghiệm phóng dễ gặp thất bại.