Ông Ned Price nhấn mạnh: “Việc nối lại cung cấp khí đốt sẽ giúp cho Đức và các đồng minh châu Âu khác bổ sung dự trữ khí đốt, tăng cường an ninh năng lượng và sự ổn định. Có lẽ các bạn cũng nhận thấy rằng cách đây vài ngày, chúng tôi đã hoan nghênh quyết định của đồng minh Canada về việc trả lại tua-bin (dành cho đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1) cho Đức như một phần của nỗ lực bổ sung nguồn dự trữ trong ngắn hạn”.
Nguồn cung khí đốt thông qua Dòng chảy phương Bắc 1 bị tạm ngừng từ ngày 11 - 21/7 để bảo trì định kỳ. Kể từ giữa tháng 6, đường ống này chỉ hoạt động với 40% công suất tối đa do Canada không trả lại các tua-bin khí của dự án sau khi được sửa chữa tại quốc gia Bắc Mỹ này, với lý do hành động này vi phạm các biện pháp trừng phạt Nga.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng nếu Canada không trả lại tua-bin của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1, Moskva chỉ có thể bơm 30 triệu m3 khí đốt mỗi ngày theo tuyến đường này, thay vì mức 67 triệu m3 hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 20/7 cho biết Washington hy vọng trước tháng 12 tới có thể đưa ra mức giá trần trên phạm vi toàn cầu đối với dầu mỏ của Nga.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado (Mỹ), ông Adeyemo nói: "Chúng tôi đang theo sát những bước đi của các nước châu Âu. Họ đưa ra ý tưởng tìm cách đặt ra giá trần (đối với dầu mỏ của Nga) và cho biết điều này sẽ được thực hiện trước tháng 12 tới. Ngoài ra, các nước này còn có kế hoạch thực hiện lệnh cấm bảo hiểm cho các tàu vận chuyển dầu mỏ của Nga".
Thứ trưởng Adeyemo nhấn mạnh: "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng khi lệnh cấm bảo hiểm có hiệu lực, việc áp mức giá trần trên phạm vi toàn cầu sẽ giúp giảm giá năng lượng trong khi cho phép năng lượng của Nga được đưa ra thị trường thế giới".
Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định Moskva sẽ không xuất khẩu dầu nếu mức giá trần thấp hơn chi phí sản xuất.