Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong chuyến thăm một số nước vùng Vịnh dự kiến kéo dài đến ngày 3/3 tới, ông Lenderking sẽ tập trung vào cách tiếp cận hai chiều để chấm dứt xung đột tại Yemen thông qua một giải pháp chính trị lâu dài và hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này. Gần 2 tuần trước đây, ông Lenderking cũng đã tới khu vực này và có cuộc thảo luận với giới chức Saudi Arabia. Khi trở về Mỹ, ông Lenderking cho biết chính quyền Washington đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao quốc tế với các đối tác vùng Vịnh, Liên hợp quốc (LHQ) và các bên khác nhằm tạo điều kiện thích hợp cho một lệnh ngừng bắn và thúc đẩy các bên hướng tới chấm dứt xung đột tại Yemen thông qua đàm phán.
Những nỗ lực ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh lực lượng Houthi đang tìm cách đánh chiếm thành phố Marib, thành trì cuối cùng của Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận. LHQ đã bày tỏ quan ngại cuộc tấn công sẽ đẩy hơn 2 triệu dân thường vào nguy hiểm và hậu quả về nhân đạo sẽ ngoài sức tưởng tượng.
Yemen rơi vào nội chiến từ cuối năm 2014 khi các tay súng Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong. Năm 2015, một liên minh quân sự giữa các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Từ cuối tháng 9/2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bớt tình trạng bạo lực.
Kể từ khi nhậm chức cuối tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường nỗ lực nhằm góp phần tháo gỡ tình hình xung đột tại Yemen. Theo LHQ, cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua đã đẩy người dân Yemen vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới, với hơn 24 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Trong tháng 2 này, Tổng thống Biden đã tuyên bố chấm dứt hỗ trợ các chiến dịch quân sự của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp vào Yemen. Ông Biden cũng thu hồi quyết định của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đưa Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố toàn cầu.