Tổng thống Biden đang ở vào thế kẹt khi xuất tiếng nói ngày một lớn trong nội bộ chính giới Mỹ đòi cấm vận nhập khẩu dầu thô từ Nga để trả đũa hành động can thiệp của Moskva ở Ukraine. Mặt khác, Nhà Trắng cũng đối diện với yêu sách trong nước về kiểm soát lạm phát, giá cả hàng hóa. Một lệnh trừng phạt năng lượng chống Nga sẽ khiến lạm phát tại Mỹ thêm trầm trọng, tăng gánh nặng lên các đồng minh của Mỹ vốn phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô từ Nga.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/3 cho biết Washington đang “tích cực thảo luận” với đối tác châu Âu về kịch bản cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Tham vấn diễn ra tại thời điểm chính quyền Mỹ trong nhiều tháng qua bị dư luận chỉ trích vì để lạm phát leo lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, do một loạt các yếu tố về nhu cầu tiêu dùng tăng, bất ổn trong chuỗi cung hàng hóa và tình trạng thiếu hụt lao động. Trong đó, chi phí nhiên liệu là tác nhân “đóng góp” lớn nhất vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, với giá dầu mỏ, khí đốt tăng lên mức kỉ lục trong nhiều năm.
Trước việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, ngày càng có nhiều nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ lên tiếng đòi Nhà Trắng áp đặt trừng phạt dầu mỏ chống Nga. Ngày 5/3, dự luật về một lệnh cấm như vậy đã có được bước đà ủng hộ ở thượng viện, với 22 thượng nghị sĩ đứng ra đồng bảo trợ. Còn tại Hạ viện, Chủ tịch Nancy Pelosi tuyên bố bà ủng hộ dự luật này.
Nhiều ngày qua, giới chức cấp cao Mỹ đã phải đau đầu trước hai yêu cầu gần như đối lập này. Họ thừa nhận sẽ phải lắng nghe tiếng nói đòi cấm vận dầu thô của Nga, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Moskva đối với nguồn cung dầu thô, hàng hóa trên các thị trường toàn cầu. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN ngày 6/3, ông Blinken cho biết Mỹ đang đàm phán với đồng minh và đối tác châu Âu để tìm kiếm một giải pháp điều phối hướng đến mục tiêu ngừng nhập khẩu dầu thô của Nga, nhưng phải bảo đảm được nguồn cung hợp lý trên thị trường.
Nga là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba trên thế giới, chiếm 10% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong năm 2021. Giới giao dịch dầu mỏ toàn cầu cho biết lo sợ hạn chế nguồn cung từ dòng dầu của Nga là một tác nhân chính khiến giá dầu trong tuần qua đã có mức tăng lên tới 25%.
Giá dầu leo thang đẩy Tổng thống Biden vào thế khó. Ông không đồng thời đạt được hai mục tiêu, vừa chấp thuận lời kêu gọi từ Quốc hội đòi cấm vận dầu mỏ Nga, đồng thời bảo đảm giá xăng dầu tại thị trường Mỹ giữ ở mức ổn định. Giá nhiên liệu trong nước tăng khiến phe Dân chủ rơi vào thế bất lợi trước thời điểm diễn ra bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.
Khi quyết định áp trừng phạt được cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga, Mỹ và đồng minh vẫn để một không gian nhất định, tránh đánh trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng của Nga, giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt năng lượng và giá dầu mỏ leo thang.
Mỹ cấm vận tài chính nhằm vào hai ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank và VTB, nhưng vẫn áp dụng nhiều miễn trừ rộng rãi đối với các khoản thanh toán hợp đồng mua bán dầu mỏ, khí đốt, xăng dầu. Ngay cả việc ngắt một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Mỹ và liên minh châu Âu (EU) cũng thực hiện có chọn lọc, giảm thiểu tối đa đứt gãy trên thị trường năng lượng.
Nhưng những nỗ lực như vậy là không đủ. Thị trường có cách phản ứng riêng và bỏ qua những bước đi mang tính xoa dịu nêu trên. Dù có hay không có lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga, giới giao dịch chủ động “né” nguồn dầu thô của Nga, vì lo sợ rắc rối có thể xảy ra, cũng như những bất chắc liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm, bảo lãnh tín dụng, logistics khi nhập dầu thô từ Nga. Chạy đôn tìm nguồn cung thay thế hạn hẹp, giới giao dịch đã đẩy giá dầu ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) lên mức 118,11 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 4/3 – mức cao nhất kể từ năm 2008.
Thực tế, mức độ phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ Nga không lớn. Trong năm 2021, chỉ có 8% dầu thô và dầu lọc nhập khẩu của Mỹ đến từ Nga, với mức sản lượng khoảng 672.000 thùng/ngày. Nhưng ngược lại, 27% dầu thô nhập khẩu của EU là do Nga cung cấp. Việc Mỹ ban hành cấm vận dầu thô của Nga sẽ tạo sưc ép lên các đồng minh khác, buộc số này phải gia nhập nỗ lực chung và cuối cùng thiếu hụt cung sẽ khiến giá dầu tăng trên phạm vi toàn cầu.