Theo phóng viên TTXVN tại Washington, dự luật ngân sách ngắn hạn nêu trên sẽ cho phép các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ thêm 3 tuần để đàm phán về một gói chi tiêu lớn hơn nhằm giúp chính phủ hoạt động cho đến hết phần còn lại của năm tài chính kết thúc vào tháng 9 tới.
Trước đó, Hạ viện Mỹ (ngày 8/2) và Thượng viện (17/2) đã thông qua dự luật trên. Dự kiến, trong thời gian tới, giới lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ đàm phán về một gói ngân sách chi tiêu quy mô lớn trị giá khoảng 1.500 tỷ USD dành cho một loạt chương trình của chính phủ, trong đó bao gồm các dự án của Lầu Năm Góc, Cơ quan Bảo vệ môi trường, Cơ quan Y tế và nhân sinh và một số dự án khác cấp chính phủ.
Trong trường hợp quốc hội lưỡng viện không thể nhất trí về kế hoạch ngân sách trước ngày 11/3 tới, có thể xảy ra 3 kịch bản: Thứ nhất, các nhà lập pháp buộc phải thông qua một dự luật mở rộng ngân sách hiện tại ở mức mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt cho thời gian còn lại của năm tài chính hiện nay. Kịch bản thứ hai là Quốc hội Mỹ thông qua một ngân sách chi tiêu ngắn hạn thứ tư để giúp hai đảng có thêm thời gian thỏa thuận về gói ngân sách quy mô lớn. Còn không, kịch bản thứ ba sẽ là một số cơ quan chính phủ phải đóng cửa do hai đảng không thể thỏa hiệp về gói chi tiêu nào.
Hiện phe Cộng hòa và Dân chủ đang bất đồng về việc phân bổ ngân sách. Theo đó, đảng Cộng hòa muốn chia đều ngân sách liên bang cho các chương trình quốc phòng và an sinh xã hội, trong khi đảng Dân chủ muốn chi tiêu nhiều hơn cho các dự án phi quốc phòng.
Lần cuối cùng Quốc hội Mỹ không thể đạt nhất trí về kế hoạch ngân sách cho chính phủ là vào tháng 12/2018 khi phe Dân chủ phản đối việc cấp kinh phí xây dựng bức tường biên giới phía Nam do cựu Tổng thống Trump đề xuất.