Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại cuộc họp báo ở Liban ngày 15/2 trước thềm chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Diễn ra chỉ chưa đầy 1 tháng sau chuyến công du của Phó Tổng thống Mike Pence tới 3 nước khu vực là Ai Cập, Jordan và Israel, việc các quan chức cấp cao Mỹ liên tục đến Trung Đông trong thời gian ngắn như vậy, cho thấy “điểm nóng” này vẫn nằm trong lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ.
Đặc biệt, trong bối cảnh những thay đổi địa-chính trị tại Trung Đông thời gian qua đang đặt ra nhiều thách thức lớn, trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang triển khai chính sách mới gây nhiều tranh cãi tại khu vực quan trọng này, Washington có vẻ đang từng bước “cụ thể hóa” chính sách mới và định hình rõ hơn vai trò của Mỹ trong khu vực.
Cuộc chiến chống khủng bố vẫn là một trọng tâm chủ yếu trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông, nhưng các đồng minh chống khủng bố của Mỹ tại khu vực đang theo đuổi những mục tiêu riêng, khiến những nỗ lực chống khủng bố cực đoan có nguy cơ bị chệch hướng. Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tuy đã bị đánh bại về mặt quân sự tại Iraq và Syria, nhưng tàn dư của chúng vẫn còn lẩn trốn tại nhiều nơi, vẫn có khả năng tiến hành các vụ tấn công khủng bố dạng “con sói đơn độc” nhằm vào Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, sự suy yếu của IS đang tạo điều kiện cho lực lượng khủng bố Al-Qaeda trỗi dậy, lấy lại vai trò là lực lượng Hồi giáo cực đoan chính.
Trong khi đó, các đồng minh khu vực của Mỹ tham gia liên minh chống khủng bố đang theo đuổi các lợi ích đơn phương, không ít trong số đó đã và đang trong tình trạng đối đầu, như xung đột giữa người Kurd ở Iraq và chính quyền trung ương Iraq, người Kurd ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ… Do vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson nhằm tiếp tục củng cố liên minh chống khủng bố Hồi giáo cực đoan, cũng như bàn vấn đề tái thiết các khu vực đã bị phá hủy trong cuộc chiến chống IS vừa qua để ngăn chặn IS tái trỗi dậy. Mặt khác, mục tiêu của chuyến thăm cũng đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống IS ngoài lãnh thổ Iraq và Syria, trong đó có chống các tổ chức chi nhánh của IS tại bán đảo Sinai, Ai Cập.
Tiếp theo, Ngoại trưởng Tillerson cũng sử dụng chuyến công du Trung Đông này để hàn gắn quan hệ Mỹ-Arab, thúc đẩy kế hoạch hòa bình giải quyết xung đột Israel-Palestine. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson diễn ra sau 2 tháng kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Mỹ sẽ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem trong thời gian tới, dẫn tới Chính quyền Palestine tuyên bố không chấp nhận vai trò của Mỹ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào để giải quyết xung đột Israel-Palestine.
Quyết định trên của Tổng thống Trump đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong thế giới Arab và Hồi giáo, tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Arab/Hồi giáo, đặc biệt làm suy giảm đáng kể lòng tin chiến lược của các đồng minh khu vực vào Mỹ. Sau Phó Tổng thống Mỹ Pence, Ngoại trưởng Tillerson phải tiếp tục “giải thích” về quyết định của Tổng thống Trump liên quan Jerusalem, cũng như “lắng nghe” ý kiến chính thức của các nước sở tại về chính sách của Mỹ tại khu vực để tiến tới một thỏa thuận tiềm năng giải quyết xung đột Israel-Palestine.
Tại Jordan, Ngoại trưởng Tillerson cho biết kế hoạch hòa bình đã được soạn thảo trong nhiều tháng qua, nhưng quá trình này chưa hoàn thành. Tại Kuwait, Ngoại trưởng Tillerson công khai bày tỏ hy vọng Chính quyền Palestine sẽ nối lại liên hệ với Mỹ để tìm kiếm một kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine. Rõ ràng chuyến thăm của Ngoại trưởng Tillerson là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Arab đối với kế hoạch hòa bình sắp tới của Mỹ. Nói cách khác, Mỹ đang tìm cách giành lại vai trò vốn đang bị xói mòn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Một mục tiêu khác của chuyến thăm là hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đã leo thang tới "giai đoạn nguy hiểm” sau hàng loạt sự kiện, từ mâu thuẫn liên quan âm mưu đảo chính bất thành lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi năm 2016, tới bất đồng xung quanh vai trò của Các lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) ở Syria, nhóm vũ trang được Washington coi là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, song bị Ankara xem là khủng bố. Kế hoạch của Mỹ thành lập một lực lượng an ninh biên giới gồm 30.000 tay súng chủ yếu là người Kurd Syria để bảo vệ khu vực Đông Bắc Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ như “giọt nước tràn ly”, khiến Ankara phát động chiến dịch quân sự “Nhành Olive” nhằm vào tỉnh Afrin của Syria do YPG kiểm soát.
Không những thế, Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến từ Đông Afrin tới Manbij, nơi Mỹ đang triển khai lực lượng đặc nhiệm hỗ trợ người Kurd Syria, dẫn tới nguy cơ đối đầu giữa lực lượng Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng đẩy Ankara nghiêng về phía Nga và Iran để tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề người Kurd Syria, có nguy cơ cản trở chính sách của Mỹ tại Syria nói riêng và tại Trung Đông nói chung, khiến Washington phải có quan điểm rõ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là vấn đề Mỹ hậu thuẫn người Kurd Syria.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ không hành động đơn phương mà sẽ hợp tác từ nay về sau”. Ngoại trưởng Tillerson và Tổng thống Erdogan cũng đạt đồng thuận bước đầu về giải quyết căng thẳng giữa hai nước liên quan đến người Kurd Syria. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cam kết thành lập các nhóm chuyên trách để phối hợp giải quyết những khác biệt về chiến lược của hai nước tại Syria và trong các vấn đề khác.
Đồng thuận trên là bước đi nhượng bộ của Washington nhằm cân bằng quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd Syria - đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống IS và Hồi giáo cực đoan tại khu vực. Bước cải thiện quan hệ này được đánh giá là cần thiết đối với cả Mỹ lẫn Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh địa-chính trị phức tạp ở khu vực hiện nay.
Như vậy, chuyến công du của Ngoại trưởng Rex Tillerson tới Trung Đông lần này chủ yếu phục vụ mục đích chuyển tải thông điệp của Mỹ về việc tiếp tục duy trì các cam kết đối với các đồng minh khu vực, nhất là cam kết chống khủng bố, củng cố quan hệ Mỹ-Arab và xử lý mối quan hệ đang rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, với thực trạng mâu thuẫn lợi ích đan xen giữa các bên hiện nay, chuyến thăm có ý nghĩa hàn gắn quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia đồng minh khu vực hơn là tìm ra được giải pháp giải quyết các vấn đề nóng tại Trung Đông, vốn phần nào là hệ quả từ chính sách của Mỹ đối với khu vực trong thời gian qua.