Trả lời phỏng vấn hãng tin Yonhap, người phát ngôn trên nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên không thay đổi”. Quan chức này nói thêm: “Trong khi nỗ lực hướng tới mục tiêu này, chúng tôi mong muốn có một số cuộc thảo luận có giá trị với Triều Tiên, bao gồm cả việc giảm nguy cơ xung đột quân sự bất ngờ”.
Người phát ngôn cũng cho biết Mỹ khuyến khích Triều Tiên quay trở lại "các cuộc thảo luận thực chất nhằm xác định các cách quản lý rủi ro quân sự và tạo ra hòa bình lâu dài" trên Bán đảo Triều Tiên.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Giám đốc cấp cao của NSC khu vực Đông Á và châu Đại Dương, bà Mira Rapp-Hooper trong tuần này thông báo rằng Washington sẽ xem xét "các bước tạm thời" trên con đường hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố này làm dấy lên suy đoán về khả năng thay đổi chính sách của Mỹ.
Trong thuật ngữ đàm phán với Triều Tiên, “các bước tạm thời” thường liên quan đến các biện pháp như việc Bình Nhưỡng dừng phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các trừng phạt, hoặc các biện pháp khác nhằm khuyến khích các nỗ lực phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh phi hạt nhân hóa hoàn toàn là “mục tiêu chung” của Chính phủ Hàn Quốc và Mỹ. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn bộ trên, ông Lim Soo Suk cho biết bình luận của quan chức Mỹ về “các bước đi tạm thời” nhằm cùng mục đích với “sáng kiến táo bạo” của Chính phủ Hàn Quốc.
Vào tháng 8/2022, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã công bố sáng kiến táo bạo nhằm giúp Triều Tiên cải thiện nền kinh tế để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa. Ông Lim Soo Suk nhấn mạnh: “Nếu Triều Tiên sẵn lòng dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của họ thì đương nhiên các biện pháp này sẽ được thực hiện theo từng bước”.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Seoul và Washington đã bắt đầu một cuộc tập trận chung lớn từ ngày 4/3. Các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đã bị đình trệ kể từ tháng 2/2019.