Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
Theo thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ, dấu mốc quan trọng trên được đánh dấu bằng sự kiện ngày 25/10, tàu sân bay USS Nimitz và các tàu hộ tống đã tiến vào khu vực phía Tây Thái Bình Dương sau thời gian hoạt động tại Trung Đông.
Tiếp theo sự hiện diện trước đó của tàu sân bay USS Ronald Reagan, ngày 23/10, tổ hợp tấn công của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, bao gồm một tàu tuần dương và ba tàu khu trục, cũng đã có mặt tại Tây Thái Bình Dương.
Sự triển khai rầm rộ các tàu sân bay nói trên là một phần của sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Ngoài tổ hợp tàu sân bay với khả năng phóng tên lửa Tomahawk, ngày 13/10, Hải quân Mỹ tuyên bố rằng tàu ngầm USS Michigan, một trong bốn tàu ngầm đặc chủng của Hải quân nước này với khả năng vận chuyển 66 biệt kích SEAL và 154 tên lửa Tomahawk, đã cập cảng Busan, Hàn Quốc.
Tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết: “Các tàu sân bay của Hải quân Mỹ được triển khai định kỳ tới Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Sự triển khai này là một phần của chu kỳ hoạt động theo kế hoạch trước đó và không có gì bất thường liên quan đến tính đan xen về thời điểm đến và đi của các tàu sân bay, bởi một tàu bắt đầu triển khai và chiếc khác được rút về.”
Tuy nhiên, sự hiện diện cùng lúc của cả ba tàu sân bay của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương vẫn là hiện tượng hiếm khi xảy ra. Lần gần đây nhất có sự triển khai tàu sân bay với số lượng tương tự là năm 2007 khi ba tàu sân bay USS John C. Stennis, USS Nimitz và USS Kitty Hawk tham gia cuộc tập trận Lá chắn Quả cảm.