Phát biểu tại cuộc điện đàm với ông Biden ngày 9/9 theo giờ Mỹ (tức sáng 10/9 giờ Việt Nam), Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định tương lai của thế giới tùy thuộc vào việc Mỹ – Trung có thể quản lý đúng đắn quan hệ của mình hay không và đây là câu hỏi thế kỷ mà hai quốc gia phải trả lời. Lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết chính sách của Washington đối với Bắc Kinh đã gây ra “những khó khăn lớn” và việc đưa quan hệ hai nước trở lại đúng đường đóng vai trò quan trọng “đối với vận mệnh thế giới”. Ông Tập Cận Bình cảnh báo đối đầu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới “sẽ dẫn tới thảm họa cho cả hai và cho toàn thế giới”.
Về phần mình, phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết tại cuộc điện đàm kéo dài 90 phút vừa qua, Tổng thống Biden đã truyền thông điệp rằng Mỹ muốn đảm bảo “sự cạnh tranh năng động và không có bất kỳ tình huống nào trong tương lai khiến hai bên rơi vào xung đột không chủ ý”.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung trong vòng 7 tháng qua và là cuộc thứ hai kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1. Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề kinh tế, biến đổi khí hậu, dịch COVID-19… Tuyên bố nêu rõ trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã “nhấn mạnh các lợi ích lâu dài của Mỹ trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới”. Tuyên bố nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo đã thảo luận trách nhiệm của hai bên trong việc đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột.
Đài CCTV cũng nhận định cuộc điện đàm đã diễn ra “thẳng thắn, sâu rộng”, về “tiếp xúc chiến lược tăng cường và các trao đổi trong quan hệ Mỹ – Trung và nhiều vấn đề cùng quan tâm khác”. CCTV cho biết hai bên đã nhất trí duy trì tiếp xúc thường xuyên và đề nghị các nhóm làm việc tăng cường liên lạc.
Quan hệ Mỹ – Trung đã xuống thấp dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, người đã khởi xướng một cuộc tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden kêu gọi chủ nghĩa đa phương và chấm dứt học thuyết “nước Mỹ trước tiên” của ông Trump. Tuy nhiên, ông vẫn chưa dỡ bỏ các mức thuế hiện hành và vẫn cứng rắn trong một số lĩnh vực khác trong quan hệ với Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Nhà Trắng cho biết bế tắc ngoại giao không phải là vĩnh viễn và các nguy hiểm tiềm ẩn đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải tham gia giải quyết.
Một quan chức Nhà Trắng nhận định: “Chúng tôi ủng hộ cạnh tranh nhưng không muốn cạnh tranh biến thành xung đột”. Ông cho rằng mục đích của cuộc điện đàm trên là đặt ra “hàng rào bảo vệ” để quan hệ hai bên “được quản lý một cách có trách nhiệm”. Sự bảo vệ này bao gồm đảm bảo rằng các hành động của Mỹ không bị Trung Quốc “hiểu nhầm”. Ông cũng cho rằng trước thực tế bế tắc trong quan hệ hiện nay, “Tổng thống Biden hiểu rõ tầm quan trọng của việc cam kết trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Tuy nhiên, theo quan chức trên, cuộc điện đàm chưa đưa đến các quyết định cụ thể nào liên quan đến các vấn đề còn tồn tại, cũng như chưa đặt ra một kế hoạch gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình, mà mới dừng lại ở việc “giữ cho kênh liên lạc được mở” và chấm dứt chu kỳ nóng – lạnh trước đó trong quan hệ song phương. Ông cho biết danh sách những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn dài và đang gia tăng, tuy nhiên có những lĩnh vực mà hai nhà lãnh đạo đã thấy phải hợp tác hoặc ít nhất là phối hợp với nhau, như vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên và khủng hoảng khí hậu.
Ông Biden, người đã xây dựng quan hệ mật thiết với ông Tập Cận Bình kể từ khi làm Phó Tổng thống Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, tin tưởng vào sức mạnh của các cuộc tiếp xúc cá nhân trong hoạt động ngoại giao. Quan chức trên cho biết hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ kinh nghiệm trước đây với tông giọng “tôn trọng và thẳng thắn”.