Trong tuyên bố ngày 31/10, Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ các nhóm đàm phán phía Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ và các cuộc đàm phán vẫn đang tiến triển thuận lợi. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán cùng nhiều công việc khác theo kế hoạch ban đầu. Tuyên bố cũng cho biết giới chức lãnh đạo của hai bên sẽ tiến hành thêm một cuộc điện đàm trong ngày 1/11.
Ngày 26/10 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cả Bắc Kinh và Washington nhất trí "giải quyết thỏa đáng những quan ngại cốt lõi của nhau". Hai ngày sau đó, Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" với Bắc Kinh sẽ được ký kết bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11 tới ở Chile, sau 18 tháng leo căng thẳng thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế này.
Tuy nhiên, ngày 30/10, Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố rút khỏi việc đăng cai APEC sắp tới do cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại nước này. Mặc dù vậy, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ vẫn hy vọng có thể đạt thỏa thuận thương mại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những tuần sắp tới.
Trong một diễn biến cùng ngày, các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ lạc quan rằng Bắc Kinh và Washington có thể tìm được cách thức ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” vào tháng tới, bất chấp việc Chile hủy đăng cai APEC.
Phát biểu trước báo giới bên lề một diễn đàn ở Singapore về quan hệ Trung - Mỹ, ông Châu Quang Diệu - người từng trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán thương mại song phương với tư cách Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc cho tới khi nghỉ hưu vào năm 2018 - cho hay, ông vẫn lạc quan rằng thỏa thuận sẽ được ký kết vào tháng 11 nếu hai bên duy trì liên lạc chặt chẽ qua các kênh ngoại giao.
Ông Ngụy Kiến Quốc - Phó Giám đốc Trung tâm Giao lưu Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cơ quan đồng chủ trì diễn đàn trên - tin tưởng rằng hai nước có thể đạt được một thỏa thuận và hai nhà lãnh đạo có thể gặp gỡ và ký kết thỏa thuận này ở một nước thứ ba (ngoài Chile). Theo ông Ngụy Kiến Quốc, Trung Quốc sẽ cân nhắc mọi đề nghị từ Mỹ, miễn là Washington không làm tổn hại đến các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh.
Các nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang kể từ tháng 7/2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Trump đã chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh tạm hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD. Đáp lại, Ủy ban Thuế vụ Quốc vụ viện Trung Quốc cũng thông báo sẽ hủy bỏ việc áp thuế bổ sung đối với hai mặt hàng đậu tương và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ trước thềm các cuộc đàm phán thương mại cấp cao.
Giới phân tích cho rằng việc chấm dứt căng thẳng thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng, và tùy thuộc vào cách căng thẳng kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.