Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Công ty Hóa dầu Bushehr và Công ty Hóa dầu Shiraz của Iran nằm trong số những mục tiêu bị trừng phạt mới. Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhắm vào một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Ngoài ra, một số tàu chở dầu của Hong Kong (Trung Quốc) và Panama cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, các lệnh trừng phạt nhằm vào 11 công ty và 20 hãng tàu vận tải có liên quan đến hoạt động giao dịch dầu mỏ và hóa dầu của Iran. Các công ty này sẽ bị phong tỏa tài sản tại Mỹ và cấm giao dịch với người Mỹ. Tài liệu trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ cũng nêu rõ bộ này chỉ cấp giấy phép chung cho một số hoạt động hạn chế đối với những con tàu bị trừng phạt.
Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt trên, Phái đoàn thường trực Iran tại Liên hợp quốc cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về cơ bản lặp lại chính sách gây sức ép tối đa của của cựu Tổng thống Donald Trump. Phái đoàn khẳng định: “Iran đã dần quen với các biện pháp trừng phạt này”, song cảnh báo Chính phủ Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn để bãi bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt nếu sau này Mỹ muốn tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) bắt đầu vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo). Tuy nhiên, vẫn chưa có bước đột phá nào sau vòng đàm phán mới đây nhất vào tháng 8/2022.