Hơn 10 năm qua, giới chức Mỹ đã yêu cầu được tiếp cận các tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, nhưng Trung Quốc không muốn để các cơ quan quản lý nước ngoài thanh tra các công ty kế toàn của nước này do lo ngại về an ninh quốc gia.
Thỏa thuận trên đánh dấu sự "tan băng" một phần trong mối quan hệ giữa hai nước, và cũng là một sự xoa dịu đối với các công ty Trung Quốc, giới đầu tư và các sàn giao dịch của Mỹ, khi nó cho Trung Quốc cơ hội được tiếp tục tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới nếu thỏa thuận trên phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Nếu không, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) Gary Gensler cho biết khoảng 200 công ty của Trung Quốc có thể bị cấm khỏi các sàn giao dịch của Mỹ. Trước đó, SEC đã đưa tập đoàn Alibaba Group, JD.Com Inc, và NIO INC vào danh sách có công ty có nguy cơ này.
Giới chức Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng khi công bố thỏa thuận trên, cảnh báo đây chỉ là bước đi đầu tiên và sự đánh giá của phía Mỹ về sự thuân thủ thỏa thuận của Trung Quốc sẽ dựa trên việc liệu các cơ quan quản lý Mỹ có được thực hiện việc kiểm tra mà không gặp trở ngại như thỏa thuận đã cam kết hay không.
Thế nhưng, theo PCAOB, đây vẫn là thỏa thuận chi tiết và mang tính quy tắc nhất mà PCAOB từng đạt được với Trung Quốc. Về phía mình, Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cũng cho biết thỏa thuận trên là một bước quan trọng hướng đến việc giải quyết vấn đề về kiểm toán và đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cả hai nước.
Về mặt nguyên tắc, thỏa thuận trên đáp ứng yêu cầu lâu nay của PCAOB là được tiếp cận đầy đủ các tài liệu kiểm toán không bị chỉnh sửa của Trung Quốc, được lấy lời khai từ nhân viên của các công ty kiểm toán ở nước này và có quyền tùy ý lựa chọn công ty nào bị kiểm tra.
Giới chức Mỹ cho biết đã thông báo các công ty được chọn vào ngày 26/8 và dự kiến sẽ đến Hong Kong, nơi thực hiện các cuộc kiểm tra, vào giữa tháng Chín.