Vòng đàm phán mới giữa phái đoàn Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc làm trưởng đoàn dự kiến diễn ra trong 2 ngày.
Đây là cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa hai bên tại Nhà Trắng kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 12 năm ngoái nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày để tiến hành thương lượng nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, những yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc trong việc thực hiện các cải cách cơ cấu kinh tế đang gây khó khăn cho hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong việc đạt được một thỏa thuận trước thời điểm Mỹ tăng thuế vào ngày 2/3 tới.
Hiện các chuyên gia thương mại nhận định có rất ít dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu căn bản của Mỹ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như chấm dứt các chính sách mà Washington cho là để buộc các công ty của nước này chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Những phàn nàn của Mỹ, cùng với cáo buộc gián điệp mạng của Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của nước này và một chiến dịch có hệ thống nhằm thâu tóm các hãng công nghệ của Mỹ, đã được chính quyền của Tổng thống Donald Trump sử dụng để biện minh cho đòn trừng phạt thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3 tới nếu hai bên không đạt được thỏa thuận và cũng sẽ áp mức thuế mới đối với số còn lại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc
Trong khi đó, Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc cho rằng các chính sách của nước này nhằm buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, nhấn mạnh đến các biện pháp đã thực hiện như giảm thuế ôtô và một dự thảo luật đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện khả năng tiếp cận cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như cam kết cấm sử dụng các biện pháp hành chính nhằm ép buộc chuyển giao công nghệ. Trung Quốc đang đẩy nhanh việc ban hành luật đầu tư nước ngoài mới, với khả năng Quốc hội nước này sẽ thông qua vào tháng 3 tới.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung Erin Ennis, trong bối cảnh chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới thời hạn chót, hai bên sẽ không thể đưa ra những đề nghị khả quan nhất trong hai ngày đàm phán này mà hy vọng sẽ đạt được một số tiến triển hướng tới việc hoàn tất đàm phán vào cuối giai đoạn đình chiến 90 ngày.
Cuộc chiến tranh thương mại đã bùng phát từ giữa năm 2018, với việc hai nền kinh tế hàng đầu thế giới liên tiếp trả đũa nhau bằng thuế. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị áp mức thuế mới của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Hiện nhiều công ty của cả hai nước đang chịu thiệt hại từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Đầu tháng này, tập đoàn công nghệ Apple Inc của Mỹ hạ triển vọng doanh thu của hãng do nhu cầu tại thị trường Trung Quốc giảm. Ngày 23/1, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận trước ngày 1/3.