Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các phóng viên tại New York Times, The Washington Post và Wall Street Journal trao trả thẻ báo chí trong 10 ngày. Phía Trung Quốc cũng yêu cầu 3 cơ quan báo chí này cùng tạp chí Time và đài tiếng nói VOA cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động.
Tờ Guardian (Anh) cho biết Trung Quốc vào ngày 17/3 cũng tuyên bố sẽ trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đây là động thái đáp trả các quyết định của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã đặt nhiều hạn chế đối với cơ quan truyền thông và phóng viên Trung Quốc tại Mỹ. Điều này gây nhiều khó khăn tới việc tác nghiệp và khiến họ trở thành mục tiêu của phân biệt, chịu sức ép vì mục đích chính trị”.
Theo đó, tháng 2 vừa qua, Mỹ tuyên bố 5 kênh thông tin của Chính phủ Trung Quốc bao gồm hãng thông tấn Xinhua, đài truyền hình Trung Quốc, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, China Daily và Nhân dân Nhật báo sẽ được coi như đại sứ quán nước ngoài.
Điều này đồng nghĩa với việc 5 kênh thông tin trên sẽ phải được Chính phủ Mỹ cho phép mới có thể mua hoặc thuê văn phòng, đồng thời phải báo cáo về thay đổi nhân sự với Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hãng thông tấn Xinhua dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi động thái này của Mỹ là thành kiến mang tính chất Chiến tranh Lạnh, gây ảnh hưởng tới tiếng tăm và hình ảnh các tổ chức truyền thông Trung Quốc cũng như hoạt động của các cơ quan này tại Mỹ.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố trục xuất nhà báo để đáp trả quyết định của Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đề nghị Bắc Kinh xem xét lại và đánh giá đây là điều “không may mắn”.
Truyền thông Mỹ cũng bày tỏ không đồng tình với thông báo của chính phủ Trung Quốc. Tổng biên tập tờ New York Times phản đối việc Trung Quốc trục xuất phóng viên nước ngoài trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 gây nhiều tác động.