“Người Mỹ thực sự muốn mua nước nặng của chúng tôi”, Đài Sputnik dẫn lời Phó Tổng thống Salehi phát biểu trên sóng truyền hình IRINN ngày 4/11. Tuy nhiên, ông Salehi quên không nhắc dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã từ chối thương vụ này.
Phó Tổng thống Salehi nhấn mạnh lượng nước nặng dự trữ của Iran hiện tại xấp xỉ 128 tấn, và con số này không vượt quá giới hạn 130 tấn quy định trong thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký với sáu cường quốc. Ông Salehi khẳng định Iran vẫn có nhiều mối mua nước nặng và Tehran sẽ tiếp tục bán hợp chất này.
Nước nặng có thể được sử dụng trong các lò phản ứng để sản xuất plutoni, một nhiên liệu có thể dùng sản xuất các đầu đạn hạt nhân.
Cuối tháng 7, trong một cuộc họp với các nghị sỹ Quốc hội Iran, ông Salehi cho biết Tehran sẽ khởi động lại các hoạt động tại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak.
Khả năng làm giàu urani của Iran và hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nước nặng đều nằm trong khuôn khổ kiểm soát của thỏa thuận JCPOA vì phương Tây lo ngại Iran có thể tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
Lò phản ứng nước nặng Arak bị xem là một nguy cơ vì nó cho phép Iran sản xuất plutoni làm giàu. Iran đã phá hủy và đổ bê tông vào các đường ống, còn gọi là phần lõi của lò phản ứng Arak, như một phần của thỏa thuận JCPOA để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Các cường quốc cam kết giúp Iran phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, trong khi Tehran cam kết xây dựng lại lò phản ứng nước nặng tại Arak để tiến hành các nghiên cứu hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang kể từ ngày 8/5/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trên và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đúng một năm sau đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo Tehran khôi phục hoạt động làm giàu urani và tạm ngừng hiện đại hóa lò phản ứng nước nặng tại Arak nếu các nước tham gia thỏa thuận không thực hiện các cam kết đảm bảo lợi ích của Iran.