Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Tuyên bố trên được đưa trong bối cảnh kỷ niệm lần thứ 3 Hiệp định Minsk.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: "Nga vẫn tiếp tục phủ nhận sự tham gia trực tiếp của mình trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine trong khi các lực lượng do Nga lãnh đạo từ chối việc tiếp cận tổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)" .
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt cho tới khi Nga thực hiện đầy đủ các cam kết theo Hiệp định Minsk, trả bán đảo Crimea về cho Ukraine.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng sau khi lực lượng được Mỹ và phương Tây ủng hộ tiến hành các cuộc biểu tình bạo lực lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanucovich năm 2014 dẫn đến việc bán đảo Crimea, được sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 3/2014 và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine giữa lực lượng đòi độc lập và quân Chính phủ.
Ngay sau đó, EU và Mỹ đã khởi động các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhằm vào các quan chức Nga và Ukraine, cũng như các công ty bị giới chức Mỹ cáo buộc đã giúp Moscow tăng cường kiểm soát Bán đảo Crimea - khu vực sáp nhập vào Nga năm 2014.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/2, phát biểu tại một cuộc điều trần thường niên về các mối đe dọa tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats khẳng định Nga là mối đe lớn nhất của Mỹ về an ninh mạng. Bên cạnh đó còn có các mối đe dọa khác là Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Các tổ chức khủng bố, tội phạm và thậm chí là các cá nhân cũng đặt ra mối đe dọa về an ninh mạng đối với Mỹ.
Trước đó, Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 nhằm gây ảnh hưởng đến kế quả bầu cử. Nga bác bỏ cáo buộc này và tuyên bố cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ.