Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Chúng tôi nắm rõ những bình luận được truyền thông Triều Tiên đưa ra. Chính sách của chúng tôi với Triều Tiên là kêu gọi một cách tiếp cận thực tế, cởi mở và sẽ thăm dò ngoại giao với Triều Tiên để đạt được những tiến bộ thực chất nhằm tăng cường an ninh cho Mỹ, các đồng minh và các lực lượng được triển khai của chúng tôi".
Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải bài viết chỉ trích việc Mỹ dỡ bỏ mọi hạn chế về tên lửa Hàn Quốc trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Washington ngày 21/5 vừa qua. Trong bài viết này, tác giả cho rằng việc dỡ bỏ hạn chế về tên lửa là "một lời nhắc nhở rõ ràng" về cách tiếp cận thù địch của Washington đối với Bình Nhưỡng. Bài viết lên án việc Mỹ trao cho các đồng minh quyền phát triển tên lửa không giới hạn trong khi cố chấp coi các biện pháp mà Triều Tiên thực hiện để tự vệ là vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.
Các hạn chế đối với tên lửa của Hàn Quốc lần đầu tiên được đặt ra vào năm 1979 khi Hàn Quốc tìm cách sở hữu các công nghệ tên lửa của Mỹ để phát triển tên lửa của mình. Đổi lại, Seoul đồng ý giới hạn tầm bay tối đa của tên lửa là 180 km và trọng lượng đầu đạn là 500 kg. Tuy nhiên, năm ngoái, Seoul và Washington đã sửa đổi hướng dẫn 4 lần để nâng tầm bắn lên 800 km, bỏ giới hạn về trọng lượng đầu đạn và dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng nhiên liệu rắn. Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn, tất cả những hạn chế đó đã được dỡ bỏ và Hàn Quốc có thể phát triển và sở hữu mọi loại tên lửa, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tiên tiến.