“Phát biểu trong chương trình của kênh CNBC cùng ngày, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định “hành động quân sự” là phương án vẫn còn nguyên trên bàn Tổng thống Donald Trump.
Ông Pompeo cho biết thêm Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp kinh tế-chính trị trước khi phải dùng tới một cuộc đối quân sự. Ông nêu rõ: “Chúng tôi ưu tiên hòa bình hơn chiến tranh. Song trong trường hợp này, hành động mạnh mẽ hoặc quân sự là cần thiết”. Ngoại trưởng Pompeo từ chối đưa ra một lằn ranh đỏ cho việc khởi động hành động quân sự chống lại Ankara.
Tuyên bố cứng rắn nói trên được đưa ra trong bối cảnh hai đồng minh NATO Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang có những khác biệt liên quan tới hoạt động của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd ở Syria từ ngày 9/10 vừa qua, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Erdogan khẳng định chiến dịch này nhằm vào các tay súng người Kurd và tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Bắc Syria để đảm bảo an ninh biên giới và đem lại hòa bình cho khu vực, đồng thời tạo điều kiện để tái định cư hàng triệu người tị nạn Syria đang nương náu trong các trại tị nạn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến dịch quân sự của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả những đồng minh của Ankara trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngày 14/10, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới việc Ankara phát động Chiến dịch ‘Mùa xuân Hòa bình’ tấn công lực lượng người Kurd vốn là đồng minh của Washington ở Đông Bắc Syria.
Tổng thống Trump cho biết quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ "bởi các hành động của Ankara tại miền Bắc Syria đang gây ra những mối đe dọa đặc biệt và bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ".
Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nêu rõ: "Sắc lệnh này cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nghiêm khắc nhằm vào những đối tượng bị cáo buộc liên quan tới các vụ lạm dụng nhân quyền, cản trở lệnh ngừng bắn, ngăn cản người dân phải rời bỏ nhà cửa trở về nhà, ép người tị nạn hồi hương, hay đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định tại Syria".
Chính quyền Tổng thống Trump cũng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép Thổ Nhĩ Kỳ từ 25% lên 50%, đình chỉ các cuộc đàm phán liên quan tới một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD với quốc gia đồng minh trong NATO này.
Để tháo ngòi căng thẳng ngoại giao và trên thực địa, ngày 17/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố đã đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ về một lệnh ngừng bắn kéo dài 5 ngày tại miền Bắc Syria.
Ông Pence cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đồng minh của Ankara đã đồng ý tạm ngừng chiến dịch quân sự "Mùa xuân Hòa bình" nhằm vào các lực lượng người Kurd tại Đông Bắc Syria vốn được Mỹ hậu thuẫn. Đổi lại, Mỹ không áp đặt thêm bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ rút lại tất cả các đòn trừng phạt kinh tế một khi thảo thuận ngừng bắn trên có hiệu lực.
Tuy nhiên, trên chiến trường, các phương tiện truyền thông đưa tin giao tranh vẫn tiếp diễn giữa các bên liên quan. Ngày 21/10, một nguồn tin quân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hạn chót để lực lượng người Kurd rút khỏi các khu vực tại Đông Bắc Syria sẽ kết thúc vào 19h GMT ngày 22/10 (tức 2h giờ Việt Nam ngày 23/10). Theo nguồn tin trên, nếu lực lượng người Kurd không thuân thủ thỏa thuận ngừng bắn trên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có "những bước đi cần thiết tại Đông Bắc Syria".