Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố điều khoản gây tranh cãi trong Luật Helms-Burton năm 1996 sẽ có hiệu lực từ ngày 2/5 tới, đồng thời khuyến cáo mọi cá nhân hay doanh nghiệp hoạt động tại Cuba đặc biệt lưu ý tuyên bố này.
Theo điều khoản của Luật Helms-Burton năm 1996, các công dân Mỹ quốc tịch Cuba và các doanh nghiệp Mỹ có thể khởi kiện tất cả các công ty nước ngoài hoạt động trên phần tài sản bị thu giữ trong cuộc cách mạng năm 1959 ở Cuba. Điều khoản "Title III" này từng được các đời tổng thống trước đây tại Mỹ gia hạn hoãn thi hành sau mỗi 6 tháng trong suốt 23 năm qua do vấp phải sự phản đối từ cộng đồng quốc tế và lo ngại có thể gây ra một sự hỗn loạn trong hệ thống tòa án Mỹ vì số các vụ kiện có thể sẽ rất nhiều.
Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính sau khi điều khoản này được kích hoạt, sẽ có hàng hàng trăm nghìn đơn kiện với giá trị hàng chục tỷ USD được đệ trình. Tuy các tòa án tại Mỹ không thể quyết định các vấn đề của Cuba nhưng việc cho phép các vụ kiện này diễn ra sẽ khiến các nhà đầu tư cuối cùng phải từ bỏ hy vọng làm ăn tại Cuba. Do đó, động thái của chính quyền Washignton được cho là nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền Cuba liên quan cáo buộc hỗ trợ quốc gia láng giềng Venezueala. Cố vấn An ninh Nhà Trắng John Bolton sẽ đề cập tới quyết định này trong bài phát biểu tại Miami trong ngày 17/4 đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Cuba, Venezuela và Nicaragua.
Tuy nhiên, quyết định của Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Liên minh châu Âu (EU) và Canada. EU và Mỹ từng ký kết thuận năm 1998 nhằm dung hòa sự khác biệt về chính sách hai bên trong vấn đề Cuba. Theo thỏa thuận này, Mỹ miễn trừ nhất quán các biện pháp trừng phạt nhằm vào Cuba với các công ty và công dân EU, đổi lại, khối này sẽ không đưa vụ việc ra trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trước đó, trong bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ hôm 10/4, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini và Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã kêu gọi Washington tuân thủ thỏa thuận năm 1998. Bức thư khẳng định, nếu Mỹ không thực hiện yêu cầu này, EU sẽ buộc phải sử dụng mọi biện pháp có thể, kể cả hợp tác với các đối tác quốc tế khác hay dùng các đòn đáp trả pháp lý với phía Mỹ, để bảo vệ lợi ích của mình. Trong một tuyên bố chung ký cùng Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 17/4, hai quan chức EU cho rằng quyết định nêu trên của Mỹ là trái với luật pháp quốc tế.