Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố: “Ngày 12/10/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova về quyết định rút khỏi tổ chức này. Quyết định này được đưa ra không dễ dàng gì và phản ánh những quan ngại của Mỹ về những khoản nợ quá hạn tại UNESCO, nhu cầu về một cải cách cơ bản trong tổ chức, và sự tiếp tục xu hướng chống Israel tại UNESCO”, bà Nauert nói.
Theo đó, quyết định của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12/2018.
Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokva cho biết tổ chức đã nhận được thông báo chính thức của Washington rằng Mỹ sẽ rời khỏi tổ chức này. Bà gọi quyết định của Washington là “một mất mát cho chủ nghĩa đa phương”.
Tôi muốn bày tỏ sự tiếc nuối sâu sắc đối với quyết định của Mỹ rút khỏi UNESCO”, bà Bokova nói, đồng thời cho biết quan hệ giữa tổ chức này với Mỹ đã dựa trên các giá trị chung.
Trong phát biểu của mình, bà Bokova gợi nhắc lần cuối khi Washington quyết định ngừng hỗ trợ quỹ cho tổ chức này từ năm 2011 khi mà cả hai bên vẫn cần đến nhau. Tại thời điểm hiện tại, bà cho rằng hợp tác của Mỹ với UNESCO còn quan trọng hơn thế, khi thế giới đang phải đối mặt với khủng bố, xu hướng chống người Do thái và vi phạm quyền tự do.
Mối quan hệ giữa Israel và cơ quan văn hóa của Liên hợp quốc đã xấu đi trong thời gian gần đây. Israel đã giảm phần đóng góp cho quỹ UNESCO sau khi tổ chức này gọi Israel là quốc gia chiếm đóng vùng Đông Jerusalem.