Theo tờ Ukrainska Pravda ngày 30/3, phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày, ông Vedant Patel, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga đã vi phạm hiệp ước New START - hiệp ước giữa Mỹ và Nga về các biện pháp cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược. Ông nói: “Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá các bước tiếp theo của Nga trong quá trình vi phạm hiệp ước và xem xét các biện pháp đối phó bổ sung”.
Ông Patel cũng nhấn mạnh New START có tầm quan trọng rất lớn đối với Mỹ, vì hiệp ước này giúp tăng cường an ninh không chỉ của Mỹ mà còn của Nga và toàn thế giới. Ông cho biết: “Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục làm mọi thứ có thể để đưa các bên trở lại tuân thủ hiệp ước”.
Trước đó, vào ngày 21/2, Nga đã đình chỉ tham gia New START (Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới) nhưng tuyên bố không rút khỏi hiệp ước này. Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này vẫn sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế do hiệp ước này quy định về số lượng đầu đạn mà nước này có thể triển khai. Bộ này cho biết những quyết định trên được đưa ra nhằm duy trì mức độ vừa đủ về khả năng dự đoán và sự ổn định trong lĩnh vực tên lửa hạt nhân.
Tiếp đó, vào ngày 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, trong đó một cơ sở chứa vũ khí sẽ sẵn sàng hoạt động vào tháng 7 tới.
NATO đã gọi các động thái của Nga là nguy hiểm. Dù vậy, Mỹ cho biết họ không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông lo ngại về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus.
Ngày 28/3, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết nước này đã thông báo với Nga rằng Mỹ sẽ không còn chia sẻ dữ liệu về lực lượng hạt nhân chiến lược của mình với Nga sau khi Nga tuyên bố dừng tham gia hiệp ước New START.
Theo người phát ngôn này, động thái của Mỹ là nhằm đáp trả sau khi Nga từ chối cung cấp dữ liệu trước. Đồng thời, do Nga tuyên bố đình chỉ tham gia New START, nên Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu 2 năm một lần của mình.
Về phần mình, ngày 29/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga sẽ không thay đổi lập trường đình chỉ tham gia New START bất chấp việc Mỹ quyết định ngừng trao đổi dữ liệu với Nga theo thỏa thuận này.
Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ Nga tự nguyện đưa ra các cam kết tuân thủ giới hạn định lượng theo thỏa thuận và lập trường của Nga không phụ thuộc vào việc Mỹ có trao đổi dữ liệu hay không. Ông nhấn mạnh Mỹ vẫn là một bên tham gia hiệp ước và có nghĩa vụ tuân thủ việc gửi dữ liệu.
New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Theo thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga này, hai bên có trách nhiệm trao đổi dữ liệu toàn diện, bao gồm số lượng và các đặc tính của hệ thống vũ khí 6 tháng/lần. New START có hiệu lực vào năm 2011, giới hạn Nga và Mỹ chỉ được sở hữu không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và yêu cầu một loạt bước xác nhận, bao gồm cả việc thanh sát hiện trường.
Hiệp ước này cũng quy định việc giám sát chung kho vũ khí hạt nhân được triển khai của mỗi bên, cũng như điều phối thông qua một ủy ban tư vấn song phương. Theo đó, mỗi bên có thể tiến hành tới 18 cuộc thanh sát các địa điểm vũ khí hạt nhân chiến lược mỗi năm để đảm bảo bên kia không vi phạm các giới hạn của hiệp ước.
Năm 2010, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev đã ký kết New START. Nga và Mỹ hiện nay vẫn sở hữu khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của toàn thế giới.
Hiệp ước có hiệu lực từ năm 2011. Đầu năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước New START thêm 5 năm, tới năm 2026.
Tuy nhiên, tháng 3/2020, các cuộc thanh sát theo thoả thuận trong New START đã phải tạm dừng vì đại dịch COVID-19. Các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về việc nối lại các cuộc thanh sát dự kiến diễn ra vào tháng 11/2022 tại Ai Cập, nhưng đã bị Nga hoãn lại. Điện Kremlin cho biết họ không thể đàm phán trong trường hợp Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống Nga. Cho đến nay, chưa có bên nào ấn định thời điểm đàm phán mới.