Hãng Bloomberg trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết giới chức G7 đang thảo luận về đề xuất này trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản vào tháng tới, với mục tiêu đưa Liên minh châu Âu (EU) trở thành khu vực cấm gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu sang Nga.
Tuy nhiên, việc EU quyết định thực hiện các biện pháp trừng phạt như vậy sẽ cần sự chấp thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên, vốn vấp phải nhiều khác biệt cũng như mối lo ngại bị Nga trả đũa. Đề xuất này vẫn đang được xem xét và có thể thay đổi.
Theo những lệnh cấm vận hiện hành nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, hầu hết hàng hóa đều được phép xuất khẩu sang Nga, trừ một số mặt hàng bị trừng phạt. Nhưng nếu một lệnh cấm xuất khẩu gần như hoàn toàn được thông qua, nó sẽ làm đảo lộn cơ chế trừng phạt hiện nay: cấm toàn bộ hoạt động xuất khẩu, trừ khi được miễn trừ.
Một trong những nguồn tin cho biết các mặt hàng như thực phẩm, nông sản và thuốc men gần như chắc chắn sẽ được miễn trừ khỏi mọi lệnh cấm và trừng phạt.
EU và G7 đã cấm một số mặt hàng xuất khẩu sang Nga. Ví dụ, EU không xuất khẩu các công nghệ tiên tiến, công nghệ lọc dầu, thiết bị và dịch vụ của ngành năng lượng, ô tô hạng sang, đồng hồ và đồ trang sức và công nghệ hàng không và công nghiệp vũ trụ…
Bất chấp các lệnh cấm hiện có, Nga đã nhập khẩu gián tiếp một số hàng hóa thông qua các nước thứ ba. Tình trạng này đang thúc đẩy G7 và EU tập trung nhiều hơn vào việc xử lý các hành vi lách lệnh trừng phạt, đặc biệt là tăng cường giám sát hàng hóa công dụng kép, tức là có thể phục vụ cả quân sự hoặc dân sự.
EU, G7, Australia và các đồng minh khác đã cấm các dịch vụ vận tải hàng hải vận chuyển dầu thô của Nga đến các nước thứ ba nếu dầu được mua trên mức giá trần 60 USD/thùng. Nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga bằng đường biển cũng bị cấm ở EU kể từ đầu tháng 2.
Dòng nhiên liệu của Nga đến các nước thứ ba cũng bị ảnh hưởng bởi giá trần, tương tự như giá trần đối với dầu thô của Nga, nếu giao dịch được thực hiện thông qua các công ty bảo hiểm phương Tây. Mức trần đối với dầu diesel của Nga là 100 USD/thùng, trong khi mức trần đối với các sản phẩm dầu mỏ chi phí thấp hơn là 45 USD/thùng.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt đã làm giảm gần một nửa giá trị xuất khẩu của EU và G7 sang Nga. Tuy nhiên, dòng hàng hóa trị giá 66 tỷ USD từ châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản vẫn chảy vào Nga.
Nga đã đáp trả bằng cách áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu riêng và cắt nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu. Lệnh cấm xuất khẩu gần như toàn bộ hàng hóa sang Nga có thể khiến Moskva xích lại gần Trung Quốc hơn, trong bối cảnh nước này tìm kiếm các thị trường thay thế.
Điện Kremlin đã ngừng công bố số liệu nhập khẩu nhưng một số nhà giám sát quốc tế và chính phủ vẫn theo dõi hoạt động xuất khẩu sang Nga.
Theo dữ liệu của Trade Data Monitor, Đức, Italy và Ba Lan vẫn là ba nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu của châu Âu sang Nga.