Theo một quan chức Mỹ, ngày 30/4, trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Mỹ đã thảo luận về các phương thức nhằm duy trì áp lực về ngoại giao cũng như kinh tế đối với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ông Trump và hai nhà lãnh đạo Thái Lan, Singapore cũng đề cập tới các hợp tác an ninh, đầu tư và thương mại, cũng như sự phối hợp đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Tổng thống Mỹ đã mời hai nhà lãnh đạo hai quốc gia Đông Nam Á này đến thăm Washington.
Trước đó, tối 29/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Trump cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte về nhiều vấn đề song phương và thế giới, trong đó có tình hình Triều Tiên. Tuần trước, ông Trump cũng đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cùng với tàu khu trục của Nhật Bản. Tàu sân bay USS Carl Vinson đã tham gia vào cuộc tập trận với Hải quân Hàn Quốc vào ngày 29/4 trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo. Ảnh: EPA/TTXVN |
Các cuộc điện đàm mới đây diễn ra sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào sáng sớm 29/4. Theo quân đội Hàn Quốc, vụ thử đã thất bại. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, tên lửa Triều Tiên đã đạt độ cao 71 km trước khi bị rơi.
Cùng ngày, trả lời trong chương trình truyền hình của ABC, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus nhấn mạnh Mỹ cần sự hợp tác ở nhiều mức độ với tất cả các đồng minh trong khu vực để đảm bảo kiểm soát được tình hình. Và trong trường hợp có điều gì xảy ra tại Triều Tiên, các nước sẽ cùng ủng hộ một kế hoạch hành động chung.
Chánh văn phòng Nhà Trắng cho biết, nguy cơ các vũ khí hạt nhân và hủy diệt trên diện rộng tại châu Á và cuối cùng là cả nước Mỹ là nguyên nhân khiến Mỹ phải xúc tiến các cuộc thảo luận. Trước đó, Tổng thống Trump cũng từng cảnh báo có khả năng xảy ra một cuộc xung đột lớn với Triều Tiên, song cho biết sẽ không thảo luận các chọn lựa về quân sự để tránh mất đi sự bất ngờ.
Theo các chuyên gia, các bước đi ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump không hoàn toàn có nghĩa Washington đang chuẩn bị hành động mạnh tay với Bình Nhưỡng mà có thể là nhằm xây dựng một liên minh lớn hết mức có thể trong khu vực để gây sức ép với Triều Tiên. Theo đó, một sức ép từ nhiều phía sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn và điều quan trọng là không cần phải phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc, đồng minh quan trọng của Bình Nhưỡng.