Tuần qua, dầu thô tại các hợp đồng kỳ hạn có xu hướng tăng giá, nhờ sự "yểm trợ" của hai nhân tố: thống kê khả quan về kinh tế Mỹ và bạo lực leo thang tại Nam Sudan. Tình hình bạo lực khiến nhiều người phải tị nạn tại lều trại do phái bộ LHQ thiết lập ở Juba, Nam Sudan ngày 22/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chốt phiên giao dịch ngày 27/12 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 2/2014 tăng 77 xu lên 100,32 USD/thùng, so với mức 98,92 USD/thùng tuần trước.
Cũng tại phiên 27/12, tại London, giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 20 xu lên 112,18 USD/thùng, trong khi trước đó một tuần mức giá là 111,44 USD/thùng.
Như vậy, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2013, giá dầu thô New York đã chạy qua mốc 100 USD/thùng, sau khi thị trường nhận được báo cáo chính thức về tình hình dự trữ nhiên liệu tại Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu tuần qua bị hạn chế bởi những con số kinh tế ảm đạm của Trung Quốc, khiến nhà đầu tư có ý nghi ngờ về nhu cầu năng lượng của thế giới.
Theo Bộ Năng Lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của cường quốc này tuần trước giảm 4,7 triệu thùng, trong khi các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Wall Street Journal dự báo mức giảm là 2,2 triệu thùng. Còn mức dự trữ xăng giảm 600.000 thùng, ngược với dự báo tăng 1 triệu thùng của các chuyên gia.
Stephen Schork thuộc công ty tư vấn Schork Group nhận định: báo cáo này là một nhân tố hỗ trợ thị trường. Đặc biệt gây ấn tượng với nhà đầu tư là thông tin cho hay nhu cầu xăng của Mỹ tăng 1,8% so với tuần trước đó, mặc dù thời tiết xấu ảnh hưởng tới hoạt động giao thông tại một số khu vực của nước Mỹ.
Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ được đưa ra ở thời điểm kinh tế Mỹ liên tiếp phát đi các tín hiệu vui: doanh số bán nhà mới, lượng đơn đặt hàng đối với hàng hóa lâu bền, và lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đều khả quan hơn dự kiến. Trong những ngày vừa qua, các nhà giao dịch luôn theo dõi sát những diễn biến tại Nam Sudan, nơi bạo lực tại khu vực sản xuất dầu chủ chốt khiến sản lượng dầu của nước này sụt giảm và buộc nhiều nhân viên phải đi sơ tán.
Ngày 27/12, các nhà lãnh đạo khu vực hỗ trợ tiến trình hòa giải ở Nam Sudan cho biết, Chính phủ Nam Sudan đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức sau hai tuần giao tranh với lực lượng chống đối. Bất chấp động thái tích cực trên, tình trạng đối đầu giữa các bên ở Nam Sudan vẫn căng thẳng do các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra tại nhiều khu vực khai thác dầu mỏ ở miền bắc nước này.
Robert Yawger, phụ trách mảng giao dịch năng lượng trên thị trường kỳ hạn thuộc Mizuho Securities, cho biết, Nam Sudan thường xuất khẩu khoảng 220.000 thùng dầu/ngày tới Nhật Bản, Malaysia và Trung Quốc. Các nhà giao dịch cho rằng thống kê của Bộ Lao động Mỹ về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp là một nhân tố "nặng ký" giúp giá dầu tuần qua tăng. Cụ thể, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần trước giảm còn 3.000, thấp hơn con số dự báo (350.000) của các chuyên gia phân tích.
Gene McGillian, chuyên gia môi giới và phân tích thuộc Tradition Energy khẳng định: kinh tế Mỹ cải thiện cùng những dấu hiệu đi lên bền vững của kinh tế toàn cầu đã đẩy giá dầu lên. Thị trường ngày một lạc quan về triển vọng trong năm 2014 của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, “sức khỏe” kinh tế Mỹ cải thiện không đồng nghĩa với nhu cầu xăng dầu tăng, trong bối cảnh người tiêu dùng đang hướng tới các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu và nguồn cung khí thiên nhiên giá rẻ khá dồi dào.
Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu Brent gần như không thay đổi, trong khi giá dầu New York tăng hơn 12%, trong bối cảnh thị trường lo ngại về nguy cơ nguồn cung hạn hẹp sau khi Mỹ đe dọa tấn công quân sự vào Syria.
Hương Giang (Theo AFP)