Tờ New York Times cho biết, theo thỏa thuận khung nói trên, lực lượng Taliban sẽ đảm bảo không để các nhóm khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan, đổi lại lính Mỹ có thể rút hết quân để mở đường cho một lệnh ngừng bắn và Taliban đàm phán với Chính phủ Afghanistan.
Trả lời phỏng vấn báo New York Times từ thủ đô Kabul, Đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad xác nhận “chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ. Taliban đã cam kết hành động những gì cần thiết để ngăn chặn tình trạng Afghanistan trở thành bàn đạp của các nhóm hay các phần tử khủng bố quốc tế. Các chi tiết cần phải được soạn thảo”.
Sau 9 năm đàm phán hòa bình với Taliban bế tắc, việc đạt được thỏa thuận khung nói trên là bước tiến lớn nhất hướng tới mục tiêu chấm dứt cuộc chiến tranh đã kéo dài gần hai thập kỷ tại quốc gia Tây Nam Á này khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, đồng thời cũng làm thay đổi căn bản chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã kêu gọi lực lượng phiến quân Hồi giáo Taliban "tham gia đàm phán nghiêm túc" với chính phủ. Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình cả nước từ Phủ Tổng thống tại thủ đô Kabul, Tổng thống Ghani nêu rõ: "Tôi kêu gọi Taliban... thể hiện ý nguyện của người Afghanistan và chấp nhận đề nghị của người dân về hòa bình, cũng như bước vào đàm phán nghiêm túc với chính quyền". Ông Ghani khẳng định Chính phủ Afghanistan mong muốn hòa bình, mong muốn tiến trình này được thúc đẩy nhanh chóng, song phải có lộ trình.
Nhà lãnh đạo Afghanistan đã đưa ra tuyên bố trên vài giờ sau khi văn phòng của ông ra tuyên bố cho biết Đặc phái viên Zalmay Khalilzad khẳng định trọng tâm các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Taliban tại Qatar tuần qua là tìm cách thúc đẩy hòa đàm giữa phiến quân này và Kabul. Sau khi kết thúc các vòng thương lượng kéo dài 6 ngày với Taliban tại Qatar, ngày 27/1, ông Khalilzad đã tới Kabul để tiếp tục nỗ lực ngoại giao với chính quyền Tổng thống Ghani.
Nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến 17 năm qua ở Afghanistan gặp trở ngại vì những bất đồng liên quan việc Taliban kiên quyết bác bỏ đề nghị đối thoại trực tiếp với Chính phủ Afghanistan, trong khi Mỹ và các nước lớn trong khu vực cho rằng tiến trình hòa bình phải do người Afghanistan dẫn dắt và làm chủ.
Afghanistan rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa lực lượng an ninh và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng rối ren, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây công bố kế hoạch rút khoảng 7.000 binh sĩ, tức là một nửa số binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan, trong khi hòa đàm giữa chính quyền Kabul và Taliban vẫn không đạt được tiến bộ, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ an ninh tại đất nước này trong thời gian tới.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ tháng 1/2009, hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này.