Dự kiến, các lô vaccine trên sẽ đến châu Phi vào cuối tuần này. Đây sẽ là đợt viện trợ vaccine đầu tiên của Mỹ cho cả 3 nước này. Ngoài ra, Mỹ gần đây đã viện trợ vaccine cho nhiều nước khác ở châu Phi như Nigeria và Nam Phi.
Mở cửa một phần kho dự trữ vaccine của mình, Mỹ dự kiến phân phối 604.800 liều vaccine của hãng Johnson & Johnson cho Algeria, hơn 1,2 triệu liều vaccine của Moderna sẽ đến Ghana và 151.200 liều vaccine của Johnson & Johnson sẽ được chuyển tới Yemen. Tất cả số vaccine này được hỗ trợ thông qua cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine Gavi khởi xướng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã nhậm chức với cam kết tập trung tiêm chủng cho người dân Mỹ sau khi nước này chứng kiến số ca nhiễm cao nhất thế giới, đã khẳng định cam kết biến Mỹ thành “kho” vaccine của toàn cầu. Một quan chức Nhà Trắng nêu rõ chính quyền hiểu rằng đại dịch COVID-19 chỉ có thể chấm dứt hoàn toàn nếu tất cả người dân trên thế giới được tiếp cận vaccine.
Tổng thống Biden từng bị chỉ trích vì cho phép người dân Mỹ tiêm liều vaccine tăng cường từ tháng 9 tới, nhưng giới chức khẳng định Mỹ có đủ vaccine để làm việc này trong khi duy trì nguồn viện trợ cho nước ngoài. Nếu tính cả các chuyến hàng tới 3 nước nói trên, đến nay Mỹ đã viện trợ cho châu Phi tổng cộng hơn 25 triệu liều vaccine.
Châu Phi đang trong làn sóng lây nhiễm thứ ba và đang nỗ lực thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng. Đến nay, mới chỉ có gần 2% người dân châu lục này đã được tiêm phòng trong khi một số nước phải hủy vaccine chưa dùng đến vì thiếu hạ tầng y tế để tiêm hoặc do người dân còn do dự. Với dân số 32 triệu người, ban đầu, Ghana được ca ngợi là mô hình ứng phó hiệu quả với dịch bệnh khi đã huy động cả máy bay không người lái để vận chuyển vaccine đến các vùng sâu vùng xa. Ghana cũng là nước đầu tiên nhận vaccine thông qua cơ chế COVAX vào tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, hiện chưa đến 3% dân số nước này được tiêm đủ vaccine.