Nước Mỹ bước vào tháng 8 với thông tin tốt lành: Hôm 3/8, Nhà Trắng thông báo 70% số người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Số liệu do Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho thấy tốc độ tiêm chủng tại Mỹ đã tăng mạnh trong ba tuần trở lại đây, một xu thế đảo ngược so với nhiều tháng trước đó.
Nhưng số ca nhập viện vì COVID-19 cũng tăng song hành với gia tăng độ che phủ của vaccine. Đó là bởi sự xuất hiện và lây lan mạnh của Delta – biến thể hiện chiếm 93% tổng số ca mắc mới ở Mỹ.
Thách thức về miễn dịch cộng đồng và mối nguy từ nhóm chưa tiêm chủng
Chiến dịch tiêm chủng đạt bước tiến mới, nhưng mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vẫn còn xa. Khi nhậm chức Tổng thống, ông Joe Biden đưa ra mục tiêu tiêm vaccine cho 70% dân số, khẳng định đây là mốc quan trọng để đạt miễn dịch cộng đồng. Mỹ hiện đã đạt mốc này, nhưng giới chuyên gia ý tế cho rằng Mỹ chưa thể sớm quay lại nhịp sống bình thường.
“Khi tính toán lại tỉ lệ dân số cần tiêm chủng để có thể cắt giảm mạnh mức độ lây lan của virus, con số đó sẽ phải lớn hơn 70%. Nó có thể phải tới 85%, hoặc 90% thì mới tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng”, Timothy Murphy, giáo sư cao cấp về bệnh truyền nhiễm tại Đại học y Jacobs thuộc Đại học Buffalo (New York), nêu quan điểm trước sự xâm lấn mạnh của biến thể Delta.
Một nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc mới ở Mỹ là ở nhóm đối tượng chưa tiêm chủng, khởi nguồn từ tình trạng mất cân bằng tiêm chủng giữa các cộng đồng dân cư tại Mỹ. Theo Rachael Piltch-Loeb, nhà nghiên cứu tại Đại học y khoa cộng đồng toàn cầu thuộc Đại học New York, đang có một độ chênh khá lớn về tỉ lệ tiêm phòng tại các địa phương và đó là lý do các ổ dịch tiếp tục bùng phát. Trước một biến thể mới như Delta, mục tiêu đặt ra là phải tiêm vaccine cho càng nhiều người càng tốt và đồng đều ở tất cả các cộng đồng.
Giới chức y tế Mỹ đề cập làn sóng bùng phát dịch mới này là “đại dịch của những người chưa tiêm vaccine”. Nó phản ánh một thực tế những khu vực có độ che phủ vaccine thấp là nơi phải đối diện với lây nhiễm mạnh nhất. Phần lớn tỉ lệ nhập viện hay tử vong vì COVID-19 ở thời điểm này đều rơi vào nhóm đối tượng từ chối tiêm chủng.
Vaccine vẫn là giải pháp đúng nhất để đối chọi với Delta
Lây lan của biến thể Delta không chỉ gây quan ngại với nhóm đối tượng chưa tiêm ngừa vaccine. Một ổ dịch ở Massachusetts – bang có tỉ lệ tiêm chủng cao ở Mỹ, cho thấy mối nguy hiểm Delta có thể gây ra ngay cả với người đã tiêm. Theo điều tra của CDC đối với chùm ca bệnh ở Provincetown, Massachusetts, có đến 3/4 số ca nhiễm tại đây rơi vào người đã tiêm đủ hai liều. CDC cũng lần đầu tiên đề cập đến việc người đã tiêm đủ liều nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng có khả năng truyền bệnh ngang với người chưa tiêm.
Những phát hiện như vậy về biến thể Delta đã thay đổi cách thức chống dịch tại Mỹ. Giới chức y tế đã phải “lùi một bước”, khuyến cáo người dân quay trở lại với biện pháp đeo khẩu trang, tái áp đặt một số quy định hạn chế từng dỡ bỏ trước đó. Chính quyền một số bang như New York cũng đưa ra yêu cầu mới, như chỉ cho phép người dân được ăn nhà hàng, tới phòng tập gym nếu có chứng nhận tiêm chủng.
Điều chỉnh chính sách cũng có thể là nhân tố giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine tại Mỹ trong vài tuần trở lại đây. Bởi cùng với nhận thức được tác động của các quy định y tế công cộng, người dân cũng bắt đầu có nhận thức trước việc bạn bè, người thân có thể nhiễm biến thể Delta bất kì lúc nào.
Một số người có thể mang tâm lý “vaccine không có tác dụng bảo vệ” khi xuất hiện ngày một nhiều “ca nhiễm đột phá” (người đã tiêm đủ liều nhưng vẫn nhiễm virus). Tuy nhiên, Timothy Murphy cho rằng đây là cách hiểu không đúng. Bởi “ca nhiễm đột phá” hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số ca nhiễm mới. Người bị nhiễm nếu đã tiêm ngừa cũng ở thể nhẹ, không phải nhập viện hay thở máy.
“Tôi nghĩ rằng một khi các cộng đồng dân cư đạt tới ngưỡng đa số người dân tiêm đủ liều, khả năng phải áp dụng biện pháp đóng cửa một lần nữa là rất thấp”, chuyên gia này nhìn nhận.