Cơ quan Y tế công cộng thành phố Los Angeles và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã xác nhận một người dân sinh sống tại thành phố này đã tử vong do nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sau khi nhập viện. Tuy nhiên, Cơ quan y tế thành phố này không chia sẻ thêm thông tin về bệnh nhân như tuổi tác, giới tính hay chủng tộc với lý do “bảo mật thông tin và quyền riêng tư”.
Trước đó, một người đàn ông ở bang Texas, người cũng được mô tả là bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, đã tử vong vào tháng trước sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong chính của bệnh nhân này có phải do bệnh đậu mùa khỉ gây ra không vẫn đang được điều tra.
Khoảng 22.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác nhận ở Mỹ, trong đó California là nơi có nhiều trường hợp được xác nhận nhất trong số các tiểu bang của Mỹ cho đến nay, với 4.300 trường hợp. Nhiễm bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây tử vong, với hầu hết các trường hợp sẽ khỏi trong vòng 2 đến 4 tuần.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, căn bệnh này có tỷ lệ tử vong khoảng 3 đến 6%. Tuy nhiên, những người bị suy giảm miễn dịch có nhiều khả năng bị trở nặng hơn khi nhiễm bệnh, như nhiều ca bệnh nhiễm các virus như SARS-CoV-2.
Các triệu chứng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bao gồm các dấu hiệu giống cúm như sốt, đau nhức cơ và mệt mỏi, ngay sau đó là phát ban. Tiếp xúc với dịch từ vết phát ban là con đường chính lây lan dịch bệnh này. Mặc dù hiện không có loại thuốc đặc trị bệnh đậu mùa khỉ, song vaccine và thuốc điều trị bệnh đậu mùa như Jynneos và TPOXX đã được sử dụng để ngăn ngừa lây nhiễm và có khả năng ngăn ngừa bệnh trở nặng.
Bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa thuộc cùng một họ virus và các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các phương pháp điều trị bệnh đậu mùa cũng có hiệu quả đối với bệnh đậu mùa khỉ, mặc dù dữ liệu lâm sàng còn hạn chế.