Kế hoạch này sẽ được Tổng thống Joe Biden công bố trong bản Thông được Liên bang được đọc trước Quốc hội Mỹ vào hồi 21h00 ngày 7/3 (giờ địa phương - 9h00 sáng 8/3 giờ Hà Nội). Cảng này sẽ tiếp nhận tàu chở thực phẩm, nước uống và các nguồn nhu yếu phẩm khác để phân phối tới tay người dân Gaza.
Một khi hoàn tất, cảng này sẽ nhận hàng nhân đạo do quân đội Mỹ và Liên minh các đối tác bảo đảm từ đảo Cyprus. Nguồn nhân lực để thực thi sứ mệnh xây dựng này sẽ là lực lượng có sẵn ở khu vực, hoặc được điều chuyển từ nơi khác.
Giới chức Mỹ cho biết sẽ tìm kiếm điều phối hợp tác với Israel về vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo, cũng như với Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận nhằm phân phối hỗ trợ trong phạm vi Gaza. Tuy nhiên, nỗ lực do Mỹ đứng đầu về thúc đẩy viện trợ bằng đường biển, đường không sẽ được thúc đẩy sớm mà không có sự tham gia của Israel.
Phát biểu tại cuộc họp báo trưa ngày 7/3, ông Stephane Dujarric – người phát ngôn Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) cho biết LHQ hoan nghênh quyết định trên của Mỹ, khẳng định mọi giải pháp đưa hàng nhân đạo vào được Gaza đều đáng ghi nhận.
Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu cần mở thông các hành lang đường bộ cho hàng nhân đạo vào Gaza, nhất là các cửa khẩu đường bộ ở Israel giáp bắc Gaza. Theo ông, đường bộ vẫn là phương án tối ưu nhất trong vận chuyển hàng nhân đạo vào Gaza, bởi tính kinh tế và khả năng thực hiện ở quy mô lớn so với đường không và đường biển.