Bên cạnh đó, Washington có thể sẽ lại dùng tới thuế quan nếu kết quả đánh giá cho thấy Trung Quốc vi phạm thỏa thuận.
Một nguồn tin cho hay, nguy cơ thuế quan vẫn chưa lùi hẳn, kể cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận. Theo nguồn tin này, các nhà đàm phán Trung Quốc không ưa những ý tưởng từ các cuộc đánh giá thường kỳ về mức độ tuân thủ cam kết, nhưng đề xuất này của Mỹ đã không làm chệch hướng các cuộc đàm phán.
Theo nguồn tin trên, đánh giá thường kỳ sẽ là một giải pháp tiềm năng để đáp ứng yêu cầu của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhằm rà soát lại tất cả các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc đe dọa sử dụng thuế quan sẽ là biện pháp để giữ quá trình cải cách đi đúng hướng.
Theo ông Erin Ennis, Phó chủ tịch cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, một tổ chức thương mại đại diện cho các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, việc tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá là cần thiết và nên dựa trên những tiêu chuẩn rõ ràng đồng thời có tính đến những hậu quả của việc không đáp ứng các tiêu chuẩn này. Ông cho rằng nếu Trung Quốc có thể cho thấy mức độ tuân thủ cam kết thông qua quá trình đánh giá như vậy, thì đây sẽ là một biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Trong diễn biến mới nhất, hãng tin Bloomberg ngày 18/1 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đã đề xuất thực hiện một kế hoạch chi tiêu kéo dài 6 năm nhằm tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để định hình lại mối quan hệ giữa hai nước. Bằng cách tăng mức nhập khẩu hàng hóa thường niên từ Mỹ với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ USD, Trung Quốc sẽ tìm cách giảm thiểu thặng dư thương mại từ 323 tỷ USD hồi năm ngoái xuống 0 vào trước năm 2024.
Thỏa thuận "đình chiến" trong 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được hồi đầu tháng 12/2018 đã đi được nửa chặng đường. Song, hiện có ít tín hiệu cho thấy hai bên đã đạt được những tiến triển khả quan trong tiến trình giải quyết tranh chấp.