Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, bà Carolyn Maloney, Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Hạ viện Mỹ, đã gửi thư cho nhà sáng lập Facebook, ông Mark Zuckerberg, để tìm kiếm thông tin về hoạt động giả mạo này. Theo đó, bà đã đưa ra 9 câu hỏi, trong đó yêu cầu Facebook xác định có bao nhiêu tài khoản giả mạo liên quan đến "Đoàn xe tự do"; Facebook nhận ra các tài khoản giả mạo từ khi nào; có bao nhiêu người đã xem nội dung đó và Facebook kiếm được bao nhiêu tiền từ các quảng cáo liên kết.
Trong thư, bà Maloney bày tỏ lo ngại về thông tin cho biết Facebook đã phát hiện một số nhóm kích động cuộc biểu tình từ hồ sơ người dùng giả mạo. Theo bà, những thông tin này đặc biệt đáng báo động vì trước đó, nhiều nội dung độc hại, chủ nghĩa cực đoan và thông tin sai lệch đã được truyền bá qua Facebook. Việc sử dụng tài khoản giả, bị đánh cắp hoặc không xác thực, đã trở thành một kỹ thuật phổ biến của những đối tượng muốn tiến hành các chiến dịch thông tin sai lệch.
Đầu tháng 2/2022, Facebook đã chia sẻ trên NBC News rằng trang mạng xã hội này đã xóa một số nhóm ủng hộ cuộc biểu tình "Đoàn xe tự do" có yếu tố nước ngoài.
Facebook xác nhận đã nhận được yêu cầu của bà Maloney và sẽ sớm trả lời bằng văn bản.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 18/2, cảnh sát Canada đã triển khai một trong những hoạt động thực thi pháp luật lớn nhất trong lịch sử nước này, nhằm giải tỏa khu trung tâm Ottawa - vốn bị những người biểu tình và xe tải lớn gây tắc nghẽn trong 3 tuần qua. Kể từ ngày 16/2, cảnh sát đã yêu cầu những người biểu tình rời đi nếu không sẽ bị bắt giữ, buộc tội và có thể bị tịch thu xe.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 100 người biểu tình bị bắt giữ. Cuộc biểu tình của "Đoàn xe tự do" bắt đầu từ việc những người lái xe tải phản đối quy định phải có chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 khi qua biên giới Mỹ, nhưng sau đó người biểu tình đã tăng yêu sách, muốn chấm dứt tất cả quy định y tế được áp dụng trong đại dịch.