Phát biểu trên truyền hình, ông Kaung Htet San cho biết ASEAN mong muốn cử một đặc phái viên tới Myanmar và nước này sẽ “hợp tác với đại diện của ASEAN” khi đạt được an ninh và ổn định trong nước.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội nước này bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD). Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN (ALM) diễn ra ngày 24/4 tại thủ đô Jakarta của Indonesia, lãnh đạo các nước ASEAN đã đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, trong đó yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế, tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại, và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 30/4 cũng ra tuyên bố nhấn mạnh đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar nên được áp dụng ngay lập tức. Hội đồng Bảo an nhấn mạnh “hoàn toàn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN”, đồng thời khuyến khích Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener đến thăm Myanmar "càng sớm càng tốt”.