Ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Myanmar ra thông cáo trên truyền thông nhà nước nêu rõ Myanmar chia sẻ mối quan ngại với cộng đồng quốc tế và sẵn sàng cung cấp cứu trợ nhân đạo cho bất cứ thuyền nhân nào trên biển. Người nhập cư ở bang Rakhine của Myanmar. Ảnh: AFP |
Thông cáo khẳng định Myanmar đang có những nỗ lực nghiêm túc nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán người và nhập cư trái phép trên toàn quốc. Cụ thể, hải quân và không quân Myanmar thường xuyên tiến hành tuần tra trong lãnh hải của mình nhằm xác định các hành vi xâm phạm trái phép, đồng thời đảm bảo an toàn cho những thuyền nhân. Chính quyền bang Rakhine cũng đang áp dụng các biện pháp duy trì an ninh và ngăn chặn hoạt động trái phép trên biển.
Myanmar cam kết mở rộng hợp tác toàn diện với các nước láng giềng, tuân thủ các cơ chế khu vực như Quy chế Bali về buôn bán, vận chuyển người và các tội phạm xuyên quốc gia liên quan, đồng thời phối hợp với cộng đồng quốc tế nhằm giảm bớt khó khăn cho các nạn nhân của tình trạng này.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo tình trạng hàng nghìn người di cư từ Myanmar và Bangladesh, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em mắc kẹt trên biển sau khi bị từ chối tiếp nhận ở các nước nhập cư. LHQ đã kêu gọi chính phủ Indonesia, Malaysia và Thái Lan cho phép các thuyền chở người di cư cập bến an toàn, đảm bảo các điều kiện tiếp nhận thỏa đáng và nhân đạo, đồng thời tiến hành các thủ tục xác định những người cần được bảo vệ.
Cũng trong ngày 19/5, truyền thông Myanmar đưa tin 11 người tị nạn Bangladesh trôi giạt vào bờ biển bang Rakhine đã được nhà chức trách địa phương cho hồi hương bằng một tàu cá của Myanmar. Theo lời khai tại cơ quan cảnh sát địa phương, những người này bị buộc phải nhảy khỏi con thuyền mà họ đi trước đó từ Bangladesh do không thể cập bến tại Malaysia.
Cùng ngày, ngư dân tỉnh Aceh của Indonesia đã cứu 374 người tị nạn được cho là đến từ Myanmar. Theo ông Teuku Nyak Idrus, thành viên tổ chức ngư dân Aceh, nhóm người tị nạn này được tìm thấy trên một con tàu gỗ trên eo biển Malacca trong tình trạng sức khỏe rất yếu, sau đó đã được đưa tới miền Đông Aceh và được cung cấp lương thực cũng như chăm sóc sức khỏe.
Những năm gần đây, hàng nghìn người di cư, chủ yếu là cộng đồng người Rohingya thiểu số ở Myanmar và từ Bangladesh đã tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó Malaysia và Indonesia là những điểm đến và Thái Lan là điểm trung chuyển đầu tiên của các đường dây buôn người trong khu vực. Các tổ chức liên chính phủ kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực trước hết hãy cứu những người di cư, sau đó đề ra các giải pháp dài hạn.
TTXVN/Tin tức