Đài Sputnik dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho hay hiện cả hai bên đều phải chịu những tổn thất nhất định trong cuộc chiến này.
Ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng các thông tin mà truyền thông Mỹ cáo buộc Nga từ chối cấp thị thực cho các giáo viên Mỹ làm việc tại Moskva là "lời nói dối trắng trợn".
Bộ Ngoại giao Nga nói: “Kể từ khi các nhà ngoại giao Nga bị buộc rời khỏi Mỹ, phía Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến thị thực đối với chúng tôi. Mỹ ngừng cấp thị thực cho các nhân viên ngoại giao và nhân viên chính phủ. Họ đưa ra một hệ thống trao đổi – họ cấp thị thực cho một nhà ngoại giao Nga thì chúng tôi phải cấp thị thực cho một nhân viên ngoại giao Mỹ. Hệ thống áp dụng tương tự cho các nhân viên kỹ thuật hoặc hành chính. Tuy nhiên, trong những tuần qua, chúng tôi đã đối mặt với một tình huống, ở đó chúng tôi cấp thị thực cho người dân Mỹ, còn họ thì không".
Cùng ngày, Moskva cho biết họ chuẩn bị cấp thị thực cho các giáo viên Mỹ, song kết quả sẽ phụ thuộc vào quyết định của Washington. "Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu cấp thị thực cho các giáo viên Mỹ, nhưng chúng tôi có thể tin tưởng vào Mỹ hay không? Không có câu trả lời cho điều đó", Đại sứ Antonov cho biết.
Nhà ngoại giao nhấn mạnh chính sách của Mỹ gây áp lực đối với Nga trong vấn đề thị thực sẽ không đạt bất kỳ kết quả nào. Ông nói: "Truyền thông được tận dụng để gây áp lực cho chúng tôi, trói chặt tay chúng tôi và buộc chúng tôi bước tiếp mà không lường trước được đòn trả đũa của Mỹ. Điều này thiếu công bằng, và chính sách gây áp lực với Nga khó có thể đem lại kết quả".
Moskva đề nghị các giải pháp thay thế để giải quyết các vấn đề liên quan đến thị thực với Mỹ và xây dựng mối quan hệ bình thường với Washington. "Chúng tôi mong muốn một mối quan hệ bình thường, thực chất với Mỹ, trong một tình huống hoàn toàn bình thường liên quan đến vấn đề thị thực", nhà ngoại giao Nga cấp cao nhấn mạnh. Ông Antonov khẳng định Washington cần đưa ra bước đi tiếp theo.
Trước đó, vào hôm 15/7, báo New York Times (NYT) đưa tin gần đây Moskva đã từ chối thị thực cho 30 giáo viên – chiếm 20% nhân viên giảng dạy tại Trường Anh-Mỹ ở thủ đô Nga nằm dưới sự quản lý của các đại sứ quán phương Tây.
NYT cho biết ngôi trường này phụ trách giảng dạy cho 1.200 học sinh các cấp từ mẫu giáo đến trung học. Nhiều học sinh trong trường là con của các nhà ngoại giao và đại diện doanh nghiệp nước ngoài tại Nga. Trường được chính phủ Mỹ, Anh và Canada phối hợp thành lập vào năm 1949.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, các giáo viên Mỹ tại đây đã được cử đến Nga với tư cách là nhân viên đại sứ quán theo hộ chiếu ngoại giao, nhưng trường này lại hoạt động như một doanh nghiệp thương mại.
Bộ nói thêm Moskva nhiều lần yêu cầu Mỹ thảo luận về tình hình quản lý thị thực của giáo viên trong trường theo đúng quy định và giải quyết tất cả các vấn đề dựa trên cơ sở trao đổi, nhưng chính Washington không tham gia đối thoại bình đẳng.
Bộ trên kết luận Washington đang cố tình tạo ra một tình huống bế tắc để tạo ra một vụ bê bối với Nga.