Mỹ-Trung bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới

Ngày 28/3, phái đoàn đàm phán Mỹ đã tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để bắt đầu vòng đàm phán mới nhằm giải quyết những căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ nhất, phải) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ nhất, trái) tại vòng đàm phán thương mại ở Washington DC., ngày 21/2/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc kinh tế này tiến gần tới việc đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt căng thẳng kéo dài trong nhiều tháng khiến nền kinh tế toàn cầu bị tác động mạnh.

Cuộc họp dự kiến diễn ra trong 2 ngày giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc là cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh áp dụng một số biện pháp mới nhằm thể hiện sự nhượng bộ.

Các quan chức Mỹ nêu rõ Washington và Bắc Kinh đã đạt tiến triển trong tất cả các lĩnh vực đang thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại, với một sự biến chuyển chưa từng có về vấn đề chuyển giao công nghệ ép buộc, song hiện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.

Một quan chức giấu tên cho biết Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất đàm phán cụ thể hơn so với trước đây, mang tới hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận, mà Mỹ kiên quyết phải bao gồm những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Trong cuộc gặp tại Argentina vào tháng 11/2018, lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày để thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD nếu hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến này trước ngày 1/3.

Tuy nhiên, với kết quả tích cực mà đoàn đàm phán thương mại hai nước đạt được sau cuộc thương lượng mới nhất tại Washington hôm 24/2 vừa qua, Tổng thống Trump đã thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế nói trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vòng đàm phán tiếp theo.

Trong khi đó, Mỹ đã mở cuộc điều tra thương mại nhằm vào Trung Quốc khi cho rằng Bắc Kinh đã xuất khẩu bán phá giá hàng gỗ thủ công mỹ nghệ vào nước này, cạnh tranh không công bằng với các nhà sản xuất trong nước.

Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ các nhà sản xuất Trung Quốc đang nhận được "trợ cấp không công bằng" và các sản phẩm đang được bán với mức giá thấp hơn giá trị thực từ 177%-262%.

Nếu xác nhận được khiếu nại trên của Liên minh Nội thất bếp Mỹ là thật, cơ quan này sẽ áp đặt thuế quan mạnh đối với hàng hóa Trung Quốc để bù lại mức giá thấp hiện nay. Tuy nhiên, quyết định này phải được Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ xem xét và sẽ mất vài tháng để đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm 2018, nhập khẩu nội thất gỗ từ Trung Quốc trị giá vào khoảng 4,4 tỷ USD. Bộ Thương mại Mỹ hiện đang tiến hành 157 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với nhiều quốc gia, trong đó có ô liu của Tây Ban Nha, gỗ Canada, dây cao su từ Sri Lanka.

 

Đặng Ánh (TTXVN)
Trung Quốc đưa ra đề xuất chưa từng có tiền lệ khi đàm phán thương mại với Mỹ
Trung Quốc đưa ra đề xuất chưa từng có tiền lệ khi đàm phán thương mại với Mỹ

Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đạt tiến bộ trong mọi vấn đề được đưa ra đàm phán thương mại, trong đó Trung Quốc đề xuất chưa từng có tiền lệ về chuyển giao công nghệ. Dù vậy, những điểm gai góc vẫn còn tồn tại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN