Hành động tôn tại trái phép, quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Trong ảnh của CSIS là đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ và tôn tại trái phép. |
Trong
cuộc họp báo ngày 29/8, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, ông Ben Rhodes, đã
thông báo lịch trình chuyến thăm châu Á trong tháng 9/2016 của Tổng thống Mỹ
Barack Obama. Theo đó, ông Obama sẽ lên đường vào sáng 2/9, tới trưa thì đến Trung
Quốc sau đó sẽ có cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
vào ngày 3/9, sớm hơn dự định một ngày như báo điện tử Đa chiều của Mỹ đưa tin.
Kết
thúc hội đàm vào tối cùng ngày, ông Tập Cận Bình sẽ chủ trì một bữa tiệc tối
quy mô nhỏ và hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận những vấn đề trong quan hệ Trung-Mỹ
trong hơn bảy năm qua. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình và ông Obama sẽ đề cập tới
một loạt vấn đề cùng quan tâm như tình hình kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu,
hiệp định hạt nhân Iran cũng như một loạt vấn đề gai góc, bao gồm: tình hình
bán đảo Triều Tiên, an ninh mạng, nhân quyền và đương nhiên gồm cả vấn đề hàng
hải, tờ Japan Today trích dẫn lời ông Ben Rhodes cho biết thêm.
Ngoài
ra, trong thời gian tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, Tổng
thống Mỹ Obama còn có kế hoạch thực hiện một số cuộc gặp đáng chú ý khác như với
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Recep Erdogan, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte…
trước khi lên đường thăm chính thức Lào vào tối 5/9.
Liên
quan tới vấn đề hàng hải, theo tờ Sankei của Nhật Bản, đây là lần đầu tiên Trung
Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-20 và nước này kỵ nhất là việc vấn đề tranh
chấp Biển Đông được nêu ra tại hội nghị. Vì thế, các quan chức cấp cao của Trung
Quốc như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc
Lý Bảo Đông nhiều lần nhấn mạnh chủ đề cốt lõi của hội nghị thượng đỉnh G-20 lần
này là kinh tế. Nhưng thực tế có thuận theo ý muốn của Trung Quốc hay không lại
là điều hoàn toàn không thể dự liệu được.