Kênh CNN (Mỹ) cho biết nếu theo đúng kế hoạch, tàu vận tải biển này sẽ thực hiện hải trình đầu tiên giữa hai thị trấn của Na Uy trước cuối năm nay. Không có thủy thủ, con tàu được vận hành bởi 3 trung tâm kiểm soát dữ liệu trên bờ.
Công ty Yara (Na Uy) là đơn vị phát triển tàu không cần thủy thủ có tên Yara Birkeland này. Yara Birkeland được thiết kế để giảm lượng nitrogen oxide và carbon dioxide thải ra môi trường. Ngành vận tải biển hiện chiếm tới 2,5-3% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Trong khi đó, hầu hết điện tại Na Uy được khai thác từ đập thủy điện vốn được coi là có lượng khí thải carbon thấp nhưng vẫn có thể tạo ra khí thải nhà kính.
Công ty công nghệ Kongsberg Maritime và doanh nghiệp đóng tàu Vard là đơn vị đưa ra ý tưởng về Yara Birkeland từ năm 2017. Con tàu này có thể chở theo 103 container và đạt vận tốc tối đa 13 hải lý trên giờ.
Dự án về Yara Birkeland cần được sự thông qua của cơ quan chức năng Na Uy để cho phép một tàu tự động rẽ sóng trên lãnh hải quốc gia này.
Giáo sư Rudy Negenborn tại Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) đánh giá tàu vận tải biển tự động như Yara Birkeland sẽ là tương lai. Tuy nhiên, ông bổ sung rằng có nhiều thách thức cần vượt qua để tàu vận tải biển tự động có thể sử dụng cho các hải trình thương mại đường dài.
Bên cạnh đó, ông Negenborn bổ sung rằng vì không có thủy thủ duy trì quá trình bảo dưỡng nên các tàu biển tự động cần được trang bị hệ thống “tự chẩn đoán” có thể phát hiện và khắc phục vấn đề hoặc gửi thông báo cần hỗ trợ. Giáo sư Negenborn cũng đề cập: “Yara Birkeland mới chỉ thử nghiệm ở bờ biển Na Uy, nếu muốn đi xa hơn, con tàu này sẽ đối mặt với nhiều quy định khác biệt từ các khu vực”.
Yara Birkeland không phải là tàu vận tải tự động đầu tiên, một phương tiện tương tự đã ra mắt tại Phần Lan từ năm 2018.