Thủ tướng Solberg nêu rõ: "Có nguy cơ biến thể Delta sẽ gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở bộ phận dân chúng chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 và trong số những người đã tiêm một mũi vaccine hoặc ở những nhóm dễ tổn thương".
Theo Bộ Y tế Na Uy, biến thể Delta có thể là biến thể chủ chốt trong số các ca mắc COVID-19 ở nước này trong tháng này. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta đang trở thành biến thể chủ chốt trên toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về việc khả năng phòng chống biến thể này của các vaccine hiện có.
Viện Y tế công của Na Uy cho biết gần 2/3 số người trưởng thành ở nước này đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất và 37% đã được tiêm chủng đủ liều.
Cùng ngày, Bangladesh đã kéo dài lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất cho đến ngày 14/7 nhằm kiềm chế số ca mắc COVID-19 gia tăng, chủ yếu do biến thể Delta gây ra.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Bangladesh cho biết mọi biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã được gia hạn. Các nhà máy được phép hoạt động nếu tuân thủ các quy định y tế trong khi tất cả các văn phòng vẫn đóng cửa, hoạt động giao thông vận tải vẫn tạm dừng, ngoại trừ xe chở hàng hóa thiết yếu và xe cứu thương.
Các bệnh viện ở Bangladesh đang chật ních các bệnh nhân COVID-19, nhất là bệnh viện ở những vùng giáp biên giới Ấn Độ, nơi biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện. Bangladesh đã đóng cửa biên giới với Ấn Độ hồi tháng 4, song giao thương biên mậu vẫn được tiếp tục.
Quốc gia Nam Á này ngày 4/7 đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở nước này với 153 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 15.065 ca trong tổng số 944.917 ca bệnh. Cho đến nay, mới có 3% trong tổng số 170 triệu dân Bangladesh được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.