Ngay từ đầu chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, Triều Tiên đã thể hiện sự trọng thị hiếm có khi ông Moon Jae-in được đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đón tại sân bay. Xúc động hơn cả là hình ảnh hàng chục nghìn người dân Triều Tiên, đứng dọc theo lộ trình của đoàn xe đi qua Bình Nhưỡng, vẫy hoa và hát vang “thống nhất đất nước” để đón các vị khách miền Nam.
Những gì diễn ra trước cuộc hội đàm c đã phát đi nhiều tín hiệu tốt lành, đồng thời đây cũng là những hình ảnh mang tính biểu tượng, một lần nữa thể hiện nguyện vọng của cả hai miền về một tương lai thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Không khí tích cực này càng được củng cố với khẳng định của Tổng thống Hàn Quốc khi tới Bình Nhưỡng, rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có niềm tin chắc chắn và tình hữu nghị để tạo ra một tương lai chưa từng có tiền lệ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng thể hiện sự lạc quan khi cho biết cuộc gặp với ông Moon Jae-in sẽ trở thành "cơ hội lịch sử" với những người mong muốn phát triển quan hệ liên Triều.
Việc cuộc gặp thượng đỉnh lần này diễn ra ngay tại trụ sở Ban Chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên cho thấy sự cởi mở của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Moon Jae-in cũng là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới tòa nhà, điều có thể nói lên một sự tin tưởng giữa hai nhà lãnh đạo. Những nội dung thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo tập trung vào 3 nội dung lớn là cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều; giảm nhẹ căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên và thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Có thể thấy các thỏa thuận đạt được là bước nối tiếp của những tiến triển đáng ghi nhận trong quan hệ hai miền kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này ngày 27/4, với các biện pháp cụ thể hơn để thực hiện những cam kết chung. Mục tiêu cải thiện và phát triển quan hệ liên Triều được đánh giá đạt nhiều bước tiến thiết thực nhất với những thỏa thuận về nối lại dự án tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều vào cuối năm nay, mở lại các dự án tại khu công nghiệp chung Kaesong và núi Kumgang nếu điều kiện triển khai chín muồi... Bên cạnh đó là thỏa thuận thúc đẩy đoàn tụ các gia đình ly tán hay thực hiện các dự án thể thao, nhân đạo chung.
Hai miền Triều Tiên tiếp tục có thêm nhiều thiện chí giảm căng thẳng quân sự, cụ thể là nhất trí thiết lập vùng cấm bay ở các khu vực biên giới để ngăn chặn các vụ đụng độ máy bay, đồng ý thiết lập vùng đệm gần đường giới tuyến quân sự trên biển Hoàng Hải để ngăn chặn các vụ đấu súng và tập trận bắn pháo trên biển, ngừng các cuộc tập trận quân sự biên giới nhằm vào nhau từ ngày 1/11 tới, đồng thời mỗi bên sẽ rút bớt 11 trạm gác biên phòng tại khu phi quân sự trước cuối năm nay. Theo thỏa thuận, hai miền Triều Tiên cũng sẽ thành lập một ủy ban quân sự chung để giám sát thực thi thỏa thuận quân sự mới.
Quan trọng nhất, hai bên đã tái xác nhận lại cam kết sẽ nỗ lực vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình, không vũ khí hạt nhân, mà trước hết là loại bỏ mọi ngọn nguồn mâu thuẫn trong khu vực, đồng thời cũng lần đầu thống nhất các bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Cụ thể, các bước đi này là Triều Tiên sẽ đóng cửa vĩnh viễn bãi thử và bãi phóng tên lửa Dongchang-ri với sự giám sát của các chuyên gia quốc tế, đồng thời Bình Nhưỡng cũng cam kết đóng cửa toàn bộ cơ sở hạt nhân ở Yongbyon tùy theo hành động của Mỹ.
Với những thỏa thuận cụ thể như vậy, có thể nói Tổng thống Hàn Quốc đã phần nào thành công trong việc thuyết phục ông Kim Jong-un chấp nhận đủ những nhân nhượng cần thiết để đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể tiếp diễn. Vai trò trung gian của Tổng thống Hàn Quốc trong vấn đề này cũng thể hiện rõ khi Seoul cho biết ông Moon Jae-in sẽ sang Mỹ vào tuần tới để hội đàm với Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Hàn Quốc một mặt sẽ tác động để Triều Tiên đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa, mặt khác sẽ hối thúc Mỹ có những biện pháp tương ứng để nhanh chóng nối lại không khí đối thoại nhằm thiết lập mối quan hệ mới, hòa bình giữa hai quốc gia.
Cùng với tuyên bố Panmunjom đặt ra những nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, tuyên bố Bình Nhưỡng lần này sẽ giúp đưa quan hệ liên Triều lên nấc thang mới, đồng thời đề ra mục tiêu cụ thể về phi hạt nhân hóa, đưa bán đảo Triều Tiên tiến gần hơn tới hòa bình và thịnh vượng. Lãnh đạo Triều Tiên cũng đồng ý sẽ sớm tới thăm Hàn Quốc để gặp Tổng thống Moon Jae-in lần thứ tư, kể từ khi các nỗ lực hòa giải giữa hai quốc gia nước láng giềng bắt đầu bằng hoạt động ngoại giao hòa bình thông qua Olympic hồi đầu năm nay. Nếu thực hiện được, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên thăm Seoul kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai vào năm 1945.
Kết quả tích cực của hội nghị thượng đỉnh liên Triều đang diễn ra ở Bình Nhưỡng cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Từ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức hoan nghênh những diễn biến tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều này là "rất thú vị", đặc biệt là khả năng Triều Tiên cho phép tiến hành các cuộc thanh sát hạt nhân, phá hủy vĩnh viễn một bãi thử cũng như bệ phóng trước sự hiện diện của các chuyên gia quốc tế. Đây có thể là yếu tố giúp hồi sinh các cuộc đàm phán phi hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các thỏa thuận đạt được, cho rằng các thỏa thuận này góp phần tạo nên nhận thức chung "quan trọng" về phi hạt nhân hóa và các vấn đề còn tồn tại khác. Chính phủ Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng tuyên bố chung đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 sẽ giúp phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Thái độ ủng hộ của các nước tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã tạo thêm động lực cho tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Dù việc thực hiện các cam kết còn là một chặng đường dài, thậm chí sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài, song rõ ràng tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang được thúc đẩy đúng hướng.
Sau Tuyên bố chung Panmunjom tại cuộc gặp lịch sử liên Triều hồi tháng 4 vừa qua, tuyên bố chung tại Bình Nhưỡng lần này đã vạch ra những bước đi rõ ràng và cụ thể hơn để cải thiện quan hệ giữa hai miền, thể hiện sự tin cậy ngày càng lớn giữa hai nhà lãnh đạo. Qua hội nghị lần này, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã thể hiện rõ ràng hơn về ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân, giúp tạo đà cho một hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2, đưa mục tiêu thiết lập hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên tiến thêm một bước.