Có lẽ chưa bao giờ kinh tế thế giới lại nhận được nhiều dự báo bi quan đến thế. Từ các định chế tài chính lớn nhất thế giới, các nhà hoạch định chính sách kinh tế, đến các hãng thông tấn báo chí đều có chung một nhận định: “kinh tế thế giới có nhiều rủi ro trong năm 2012”.
Đồng loạt hạ mức dự báo
Vào thời điểm lẽ ra cả thế giới vui mừng, tận hưởng những thành quả đạt được sau một năm làm việc cật lực, người dân trên khắp các châu lục lại luôn phải “cập nhật” những thông tin không mấy lạc quan trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc, các tổ chức tín dụng... Hầu như tất cả đều điều chỉnh những dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng giảm dần so với những gì chính họ đã đưa ra trước đó, thậm chí nhìn vào những đánh giá tương lai, những con số này còn bi quan và ảm đạm hơn nhiều so với năm 2011.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet |
Hầu hết các nhà phân tích đều có chung nhận định rằng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm hơn nữa trong năm 2012, thậm chí ở mức chưa đến 2%. WB và IMF đều cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm tới, chủ yếu do tác động của bóng đen suy thoái tại các nền kinh tế phát triển cùng sự bất ổn trong môi trường chính sách. Các nhà hoạch định kinh tế quan ngại các nước phát triển tiếp tục tăng trưởng ì ạch, nguy cơ sụp đổ của Khu vực đồng euro hiện hữu, môi trường phát triển kinh tế tồi tệ, các biện pháp chính sách chưa hoàn thiện có thể khiến tình hình xấu hơn.
Khu vực đồng euro gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2012. Tuy mức độ sâu rộng của suy thoái chưa thể dự báo chính xác, song việc khan hiếm tín dụng, những khó khăn nợ công, tình trạng thiếu sức cạnh tranh và chính sách tài chính khắc khổ tại nhiều nước báo trước một sự suy giảm nghiêm trọng của kinh tế thế giới. Đó là chưa kể sự bất bình đẳng gia tăng đang châm ngòi cho các cuộc biểu tình khắp nơi trên thế giới, sự bất ổn xã hội và chính trị có thể trở thành một nguy cơ nữa cho hoạt động kinh tế. Cả IMF và Bộ phận Phân tích Thông tin Kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Economist của Anh đều hạ mức dự báo tăng trưởng GDP cho khu vực này lần lượt xuống còn 1% và 0,3% vào năm 2012 so với dự báo trước đó là 1,7% và 0,8%. Một số chuyên gia thậm chí còn dự báo tăng trưởng GDP của EU chỉ đạt -0,2% năm 2012 và tiếp tục tăng trưởng “yếu” trong những năm tiếp theo.
Không nằm ngoài vòng xoáy này, kinh tế Mỹ, vốn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 30% GDP toàn cầu, đang trong trạng thái phục hồi chậm và vẫn đứng bên “bờ vực” của sự suy thoái. Hiện Mỹ vẫn phải đối phó với khoản nợ khổng lồ đã vượt quá 15.000 tỉ USD (ước khoảng hơn 100%/GDP) và khoản thâm hụt ngân sách ước tính 1.900 tỷ USD. Những con số này đã khiến IMF phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2012 từ 2,7% xuống 2%.
Bấp bênh các đầu tàu kinh tế
Châu Á hay nói chính xác hơn là các nước đang phát triển, nơi vốn được xem là “điểm tựa cho kinh tế toàn cầu”, bước sang năm 2012 cũng nhận được những dự báo không còn lạc quan như trước.
Tại Nhật Bản, tiến trình phục hồi sau thảm họa sẽ chững lại do chính phủ không thực thi được những cải cách cơ cấu. Thậm chí, những thành quả mà chính phủ nước này đã đạt được cũng rất dễ bị bốc hơi nếu quá trình cải cách cơ cấu không được đẩy mạnh. Trong khi đó, những thiếu sót trong mô hình tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đang trở nên rõ ràng. Giá bất động sản sụt giảm bắt đầu gây ra phản ứng chuỗi, tác động tiêu cực đến phát triển, đầu tư. Sự hưng thịnh của ngành xây dựng đang bắt đầu chững lại, xuất khẩu ròng đang trở thành một trở ngại đối với tăng trưởng do nhu cầu suy yếu của Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát, vẫn còn ở mức cao sẽ là những cản trở lớn đối với chính quyền Bắc Kinh khi muốn thực thi các biện pháp tái khởi động tăng trưởng. Hơn nữa, việc nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô đủ mạnh tay để ngăn kinh tế suy giảm sâu hơn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2012 được dự báo sẽ hạ nhiệt và khó vượt mức 8%. Cũng giống Trung Quốc, ở phần lớn các nước châu Á, cuộc khủng hoảng đang hiển hiện rõ ràng hơn. Số liệu gần đây cho thấy xuất khẩu không chỉ của Trung Quốc, mà Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác trong khu vực đều chung xu hướng giảm.
Có lẽ vì thế mà nhận định cho rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ bù đắp khoảng trống thiếu hụt tín dụng cho nhóm nước phát triển sẽ không hoàn toàn đúng nữa. Tình trạng thoái vốn ở nhóm kinh tế phát triển sẽ tạo ra đổ vỡ tín dụng ở các nền kinh tế mới nổi thông qua thương mại và đầu tư, nhất là khi các ngân hàng châu Âu đã cho vay quá nhiều tới các thị trường này. Bên cạnh đó, việc các nước phương Tây không thể tiếp tục chính sách tài khóa kích thích tăng trưởng do thâm hụt cao và bế tắc chính trị nội bộ sẽ gây ra tình trạng tổng cầu giảm sút, cung vượt cầu trong nền kinh tế, tăng trưởng sa sút, thất nghiệp cao và bất ổn xã hội ở các nền kinh tế mới nổi.
G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi, một liên minh kinh tế - chính trị có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, cũng được dự báo sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong năm 2012 trong việc đạt được sự nhất trí cao về các vấn đề thế giới. Nhà phân tích Miaria Monica Wihardja thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Giacácta, giảng viên trường Đại học kinh tế Inđônêxia, nhận định hầu hết các thành viên G20 có không gian chính sách hẹp hơn so với những gì họ đã làm trong năm 2008. Một số nước đã loại bỏ dần các chính sách mở rộng kinh tế trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng. Lạm phát đã leo thang ở một số nước do chính sách mở rộng để đối phó với cuộc khủng hoảng năm 2008.
BRICS (nhóm các nước mới nổi gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang giữ vai trò như một quyền lực kinh tế và chính trị tập thể mới của thế giới, song giữa các nước BRICS vẫn có quan điểm khác nhau. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, BRICS cũng không có đóng góp đáng kể nào để cứu giúp liên minh này.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu rất khỏe khoắn, cùng với nó những định chế kinh tế toàn cầu như IMF, WB rất sung sức, các nền kinh tế lớn và định chế này đã giải cứu và giải cứu thành công trong thời gian rất ngắn. Ngược lại, giờ chúng ta lại có bức tranh hoàn toàn trái ngược khi mà các nền kinh tế lớn nhất, trung tâm hùng mạnh nhất trở nên suy yếu và đang khủng hoảng, các định chế tài chính “đuối sức”. Ai sẽ là người giải cứu cho họ?
Phương Hoa