Khi cả thế giới đang hân hoan chào đón Giáng sinh thì người dân Ai Cập lại bàng hoàng chứng kiến những hình ảnh đổ nát, điêu tàn của vụ đánh bom liều chết tại thành phố miền bắc Mansoura thuộc đồng bằng châu thổ sông Nile. Vụ tấn công đã khép lại một năm đầy bất ổn với các vụ bạo lực đẫm máu và làn sóng biểu tình dồn dập có quy mô lớn nhất trong lịch sử của "Xứ sở các Kim tự tháp". Ai Cập bước vào năm 2013 với sự căng thẳng và phân cực ngày càng rõ nét giữa Tổng thống Mohamed Morsi, phe Hồi giáo cầm quyền và phe đối lập với thành phần quy tụ các chính đảng tự do và cánh tả. Ngay từ những ngày đầu năm, quốc gia Bắc Phi này đã chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình và tuần hành rầm rộ của phe đối lập phản đối ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).
Đỉnh điểm là các cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình quá khích kéo dài hơn một tuần tại thành phố Port Said, khiến hơn 50 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Làn sóng bạo loạn lan rộng khắp đất nước đã buộc ông Morsi phải ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài một tháng tại Port Said và hai tỉnh khác nằm dọc kênh đào Suez.
Nhân viên an ninh xem xét chiếc xe buýt bị hủy hại tại hiện trường vụ đánh bom ở Cairo ngày 26/12. Ảnh: AFP-TTXVN |
Mâu thuẫn giữa Tổng thống với các cơ quan tư pháp vốn bị cáo buộc là "tàn dư của chế độ cũ" tiếp tục diễn ra gay gắt, cùng với đó là các cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ trên đường phố của cả phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi và phe đối lập ủng hộ giới thẩm phán. Hết Tòa án Hiến pháp tối cao đến Tòa án Hành chính tối cao ra phán quyết bác bỏ dự luật bầu cử quốc hội do Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) đề xuất cũng như sắc lệnh ấn định cuộc bầu cử quốc hội của ông Morsi với lý do "vi hiến".
Các cơ quan tư pháp còn nhiều lần công khai đối đầu với tổng thống như vô hiệu hóa Thượng viện và Hội đồng lập hiến do phe Hồi giáo kiểm soát, xem xét tư cách pháp nhân của MB, lật ngược quyết định bổ nhiệm Tổng công tố, lần lượt phóng thích và tuyên trắng án đối với hàng loạt cựu quan chức chế độ cũ. Các quyết định này được xem là những đòn giáng mạnh vào uy tín của cá nhân ông Morsi và địa vị của phe Hồi giáo cầm quyền.
Tình trạng bế tắc chính trị, kinh tế tồi tệ và một xã hội bị chia rẽ sâu sắc sau một năm dưới quyền điều hành của ông Morsi khiến mâu thuẫn ngày càng gia tăng và bùng phát với làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ. Chỉ tính riêng trong ngày 30/6, "cuộc chiến các quảng trường" đã thu hút 22 triệu người biểu tình trên toàn quốc. Cuộc biểu dương lực lượng này của phe đối lập Ai Cập có quy mô lớn hơn nhiều so với làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011 và cũng là lớn nhất kể từ thời đại các Pharaoh. Và cuộc chính biến ngày 3/7 đã đặt dấu chấm hết cho một năm cầm quyền đầy sóng gió của vị Tổng thống dân cử đầu tiên trong lịch sử đất nước các Kim Tự tháp.
Tuy nhiên, chính trường Ai Cập tiếp tục chìm trong bất ổn khi phe Hồi giáo tập hợp lại lực lượng cho cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài nhằm đòi phục chức cho ông Morsi. Nhằm trấn áp lực lượng MB, ngoài chiến dịch truyền thông chống lại tổ chức này, chính quyền lâm thời Ai Cập đã tiến hành truy nã và bắt giam hàng nghìn thủ lĩnh cấp cao của phong trào này, đồng thời sử dụng các biện pháp đàn áp mạnh tay làm hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Tính chung trên cả nước, làn sóng bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 850 người, biến ngày 14/8 trở thành chương đẫm máu nhất trong lịch sử cận đại Ai Cập.
Lực lượng an ninh Ai Cập điều tra tại hiện trường vụ đánh bom ở Mansura ngày 24/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các cuộc bạo động khiến chính quyền Ai Cập chao đảo và buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp cùng lệnh giới nghiêm ban đêm kéo dài 3 tháng tại Cairo và 13 tỉnh, thành khác trên cả nước. Tình hình căng thẳng chỉ bắt đầu lắng dịu khi cảnh sát và quân đội phong tỏa, cô lập các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo tại các thành phố, đồng thời phát tín hiệu cứng rắn về khả năng giải tán MB. Điều này đã khiến các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo nhanh chóng hạ nhiệt, qua đó đưa Ai Cập thoát khỏi nguy cơ một cuộc nội chiến cận kề.
Theo các nhà phân tích, tình hình bất ổn nhiều khả năng sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh MB vừa bị chính phủ cấm hoạt động, coi là "tổ chức khủng bố" và chính thức bị gạt khỏi tiến trình chính trị ở Ai Cập. Nếu không có chính sách tốt để hòa giải dân tộc, chính quyền lâm thời Ai Cập sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công của các phần tử cực đoan nhằm phá hoại lộ trình chuyển tiếp chính trị do quân đội vạch ra sau cuộc chính biến ngày 3/7 vừa qua.
Ngoài ra, không có gì đảm bảo rằng chính quyền dân bầu sắp tới sẽ không phải hứng chịu các làn sóng biểu tình mới một khi chưa giải quyết được các vấn đề hóc búa được coi là di sản của 3 chính phủ tiền nhiệm. Hơn lúc nào hết, người dân xứ Kim tự tháp cũng như người dân các nước khác trong khu vực đã ý thức rõ cái giá quá đắt mà họ phải trả cho những chiếc "bánh vẽ" của "Mùa xuân Arập" và mong muốn nhanh chóng thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay.
Hữu Chiến