Năm 2013 đã đi vào lịch sử khí tượng thế giới khi trở thành một trong những năm nóng nhất kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất hồi năm 1880. Theo số liệu của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố ngày 21/1, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu trong năm đạt 14,52 độ C, cao hơn 0,62 độ C so với mức trung bình trong thế kỷ 20 và là năm nóng thứ 4 trong 134 năm qua.
Số liệu này được đưa ra dựa trên việc phân tích và đánh giá nhiệt độ trung bình trên bề mặt đại dương và đất liền trên phạm vi toàn cầu, trong đó ghi nhận năm ngoái là năm thứ 37 nhiệt độ trung bình ở phần lớn các khu vực trên Trái Đất đều cao hơn mức trung bình toàn cầu. Trong khi đó, một số nơi tại Mỹ, Nam Mỹ và khu vực phía Đông Thái Bình Dương lại phải hứng chịu cảnh rét mướt do nhiệt độ xuống thấp hơn mức trung bình.
Lòng sông khô cạn vì nắng nóng kéo dài tại Pakistan. |
Trong khi đó, ghi nhận của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố cùng ngày cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu đang có xu hướng tăng dần và năm 2013 được đánh giá là năm nóng thứ 7 kể từ năm 1880 với mức nhiệt đạt 14,6 độ C. Báo cáo của NASA chỉ ra rằng chính hành vi tàn phá môi trường và việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch của con người là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao như hiện nay.
Theo đó, việc con người đốt các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ và khí đốt, các nguồn nhiêu liệu đang là trụ cột nguồn cung năng lượng của thế giới, khiến nồng độ carbon dioxide (CO2) - nhân tố gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu - trong khí quyển tăng từ 285 phần triệu (ppm) hồi năm 1880 lên mức cao kỷ lục 400ppm trong năm 2013.
Mặc dù có sự chênh lệch về số liệu thống kê, song các chuyên gia của NOAA và NASA đều nhận định nhiệt độ trung bình toàn cầu có xu hướng tăng mạnh qua từng năm và con người sẽ phải hứng chịu nền nhiệt nóng hơn trong thập kỷ tới nếu không có các biện pháp bảo vệ môi trường thiết thực như giảm thiểu việc đốt các nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Các chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ hiện tượng thời tiết El Nino sẽ xuất hiện trong năm 2014, khiến nền nhiệt trung bình toàn cầu tăng cao cũng như gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như ngập lụt, hạn hán, thời tiết khắc nghiệt... làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp và đời sống người dân. Bên cạnh đó, tình trạng Trái Đất ngày càng nóng lên cũng khiến các núi băng ở Bắc Cực tan nhanh, kéo theo mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân ven biển.
Các số liệu trên được đưa ra sau khi Liên hợp quốc (LHQ) hồi tháng 11 năm ngoái công bố báo cáo đánh giá khó có cơ hội giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C trong thế kỷ này, đồng nghĩa với việc khó tránh khỏi những thảm họa tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Trước đó, hồi hai tháng, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cũng dự báo nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng từ 0,3 - 4,8 độ C và mực nước biển sẽ tăng từ 26-82 cm trong thế kỷ này.
TTXVN/Tin tức