Nghiên cứu vừa được công bố ngày 9/1 cho thấy, sự ấm lên của Trái Đất có thể làm tan chảy 3/4 lượng băng trên dãy Alps của châu Âu vào năm 2100 và mực nước biển có thể dâng cao thêm 4 mét vào năm 3000 khi các sông băng ở phía tây của Nam cực tan chảy.
Sông băng ở Nam cực. Ảnh: Internet |
Những con số này được hai nhà địa vật lý Valentina Radic và Regine Hock thuộc Đại học Alaska (Mỹ) đưa ra sau khi phân tích mô hình trên máy tính từ những dữ liệu về hơn 300 sông băng trên thế giới từ năm 1961 đến 2004.
Nghiên cứu này tập trung vào hai trong số những khía cạnh ít được biết đến nhất của tình trạng biến đổi khí hậu: Như thế nào, khi nào, ở đâu tình trạng Trái Đất ấm lên ảnh hưởng đến các sông băng và ảnh hưởng của việc này đối với các thế hệ tương lai.
Cũng theo kết quả nghiên cứu này, lượng băng trên các dãy núi của thế giới sẽ giảm khoảng 15% - 27% vào năm 2100. Tuy nhiên, tình trạng băng tan không diễn ra đồng đều ở tất cả các khu vực, mà phụ thuộc vào độ cao của sông băng so với mực nước biển, đặc điểm địa hình và tình trạng ấm lên ở khu vực đó.
Theo đó, lượng băng ở dãy Alps của châu Âu và ở Niu Dilân giảm nhiều nhất với, tỉ lệ lần lượt là 75% và 72%; ngược lại, băng ở các núi cao của châu Âu và ở Greenland giảm ít nhất với lần lượt 10% và 8%.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy, băng tan sẽ khiến mực nước biển dâng cao thêm 12 centimét vào năm 2100.
Lê Hải (theo AFP)