Người dân xếp hàng lấy nước tại vòi nước công cộng ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyên gia cứu hộ hàng hải Nam Phi Nick Sloan, người đầu tiên đề xuất ý tưởng này, cho biết hiện các nhà khoa học hàng đầu tại Nam Phi và thế giới đang rất hứng khởi và sẽ tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề bàn về việc hiện thực hóa ý tưởng trên vào giữa tháng 5 này. Hiện các nhà khoa học hàng đầu tại đại học Cape Town cũng đang nghiên cứu và đánh giá về tính khả thi của kế hoạch.
Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi năm các núi băng bị tách khỏi Nam Cực có tổng trọng lượng lên đến 2.000 tỷ tấn. Sau khi tách, các núi băng này trôi theo các dòng hải lưu và sau đó tan dần vào đại dương. Các núi băng hiện đang trôi nổi ở gần đảo Gough, cách thành phố Cape Town khoảng 2.700 km về phía Tây Nam, là phù hợp nhất cho mục đích lấy nước ngọt.
Theo ý tưởng trên, các tảng băng sẽ được tàu kéo về và neo tại vịnh Saldanha gần Cape Town và sau đó sẽ được cào ra để lấy nước và đưa về đất liền tương tự như phương pháp vận chuyển dầu thô từ các trạm khoan dầu ngoài khơi. Giá thành nước ngọt khai thác từ núi băng sẽ ở mức dưới 30 Rand (2,5 USD)/khối, rẻ hơn so với nước ngọt sản xuất bằng phương pháp khử muối trong nước biển hiện đang được thử nghiệm từ đầu tháng 3 tại thành phố Cape Town.
Ông Olav Orheim, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu các cực Trái Đất của Na Uy, cho biết để có thể khai thác thành nước ngọt, các núi băng cần có hình dáng bằng phẳng ở mặt trên, có các cạnh bên dốc thoải và có chiều cao từ 200-250 m. Để kéo được những núi băng này, theo ông Orheim, cần có 3 tàu lớn, trong đó 2 tàu sẽ chạy phía trước để kéo núi băng và một tàu dự phòng chạy theo sau. Để giữ an toàn, khoảng cách giữa các tàu với núi băng cần ít nhất là 1,5 km. Ngoài ra, vị trí của núi băng khi đến địa điểm khai thác lấy nước phải cách đất liền ít nhất 40 km để giữ an toàn cho cư dân.
Mặc dù đầu tháng 4 vừa qua, chính quyền thành phố Cape Town công bố đã lùi mốc “Ngày Không nước” được dự báo trước đó rơi vào tháng 8/2018 sang năm 2019 sau khi mực nước tại các hồ chứa đã hồi phục, song thành phố vốn được coi là biểu tượng về du lịch của thế giới này vẫn đang phải chật vật tìm một nguồn cung cấp nước ổn định lâu dài.
Trước đó, tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua đã làm giảm mạnh sức hấp dẫn của Cape Town đối với du khách quốc tế cũng như làm khô kiệt các cánh đồng trồng nho tại tỉnh Western Cape, nơi sản xuất rượu vang nổi tiếng của Nam Phi.