Nam Phi nối lại việc sử dụng vaccine Johnson & Johnson

Trong hai ngày tới, Nam Phi sẽ nối lại việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J), Mỹ. Vaccine này đã bị đình chỉ tại Nam Phi sau khi xuất hiện các ca đông máu sau tiêm ở Mỹ.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông báo ngày 26/4, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize nêu rõ dựa trên khuyến nghị của Cơ quan Quản lý dược phẩm Nam Phi (SAHPRA) và sự nhất trí của nội các, chương trình tiêm chủng vaccine J&J sẽ được tái khởi động từ ngày 28/4. Ông nhấn mạnh J&J là vaccine có hiệu quả cao nhất với biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành ở nước này. 

Nhà máy Gqeberha ở Nam Phi đã sẵn sàng hơn 1,1 triệu liều vaccine J&J để phân phối tới các cơ sở y tế. Ngoài ra, dự kiến, nước này sẽ tiếp nhận thêm 650.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech trước ngày 17/5  - thời điểm bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch tiêm chủng. 

Trước đó, ngày 14/4, SAHPRA cho biết sau khi xem xét dữ liệu về quá trình nghiên cứu vaccine J&J,  cơ quan này không phát hiện nguy cơ lớn nào đe dọa các nhân viên y tế địa phương đã tiêm phòng vaccine này. Đầu tháng 4, Nam Phi đã cấp phép sử dụng vaccine J&J và đến nay mới chỉ tiêm cho các nhân viên y tế trong khuôn khổ một nghiên cứu. Với các thỏa thuận mua vaccine của hãng J&J và Pfizer/BioNTech, Nam Phi đảm bảo có đủ vaccine để tiêm cho 40 triệu người trong tổng 60 triệu dân. Nam Phi đã trả 10 USD cho mỗi liều vaccine của J&J và Pfizer/BioNTech.

Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm ngày 26/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad đã thảo luận việc Moskva cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho quốc gia Trung Đông này cũng như hợp tác chống dịch.

Chính phủ Syria mới đây đã nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên từ chương trình COVAX - do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, với gần 200.000 liều vaccine do hãng AstraZeneca sản xuất. Việc chuyển giao số vaccine trên được cho là rất quan trọng và kịp thời, hỗ trợ hiệu quả cho các nhân viên y tế nước này trong bối cảnh hệ thống y tế suy sụp do xung đột kéo dài. 

Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay Syria ghi nhận tổng cộng 22.135 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.537 ca tử vong.

Phan An (TTXVN)
WHO xem xét khả năng cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Moderna
WHO xem xét khả năng cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Moderna

Ngày 26/4, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Christian Lindmeier thông báo các chuyên gia kỹ thuật của tổ chức này đang xem xét khả năng đưa vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ) vào danh sách được phép sử dụng khẩn cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN