Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, tại phiên họp toàn thể ngày 2/5, Quốc hội Nam Phi nhất trí thông qua dự luật trên và đây cũng là một sửa đổi đối với phần 6 của Hiến pháp, quy định Ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi (SASL) làm ngôn ngữ chính thức nhằm thúc đẩy quyền của những người khiếm thính. Tuy nhiên, dự luật này vẫn cần được chuyển tới Hội đồng quốc gia của các tỉnh (Thượng viện) để được đồng ý và sau đó được chuyển tới Tổng thống Cyril Ramaphosa để ký ban hành thành luật.
Từ năm 1994 đến nay, Hiến pháp Nam Phi quy định 11 ngôn ngữ chính thức bao gồm Sepedi, Sesotho, Setswana, siSwati, Tshivenda, Xitsonga, Afrikaans, tiếng Anh, isiNdebele, isiXhosa và isiZulu. Năm ngoái, Bộ Tư pháp và Dịch vụ cải huấn nước này đã bàn thảo về dự luật liên quan đến ngôn ngữ ký hiệu để các thành viên của Quốc hội phê duyệt.
Tuyên bố của Quốc hội Nam Phi nhấn mạnh: “Về cơ bản, bản sửa đổi phần 6 của Hiến pháp tìm cách thúc đẩy sự chấp nhận văn hóa của SASL, nền văn hóa của người khiếm thính; đảm bảo việc thực hiện các quyền của người khiếm thính và người khiếm thính được bảo vệ cũng như hưởng lợi bình đẳng trước pháp luật và nhân phẩm; cũng như thúc đẩy bình đẳng toàn diện và thực chất, đồng thời ngăn chặn hoặc xóa bỏ sự phân biệt đối xử không công bằng vì lý do khuyết tật”. Người phát ngôn của Quốc hội Nam Phi Moloto Mothapo cho biết ủy ban tư pháp đã nhận được 58 văn bản đệ trình từ các cá nhân và tổ chức, hầu hết đều ủng hộ dự luật.
Về phần mình, Giám đốc Hội người khiếm thính Nam Phi DeafSA của tỉnh Western Cape, Jabaar Mohamed đã hoan nghênh trước quyết định trên, nhấn mạnh bước đi này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho trẻ em khiếm thính, phụ nữ và cộng đồng người khiếm thính trên toàn quốc. Thừa nhận ban đầu việc áp dụng SASL làm ngôn ngữ chính thức sẽ có những thách thức, ông Mohamed kêu gọi mọi người dân tôn trọng và hiểu SASL cũng như văn hóa của người khiếm thính.
Tại Nam Phi, có hơn 4 triệu người khiếm thính và nước này là quốc gia thứ 14 trên thế giới đưa SASL làm ngôn ngữ chính thức.