Nam Phi tiết lộ thông tin bất ngờ về kế hoạch phi đô la hóa của BRICS

Hãng tin Bloomberg ngày 25/8 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana khẳng định Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) không có ý định xem xét việc tạo ra một loại tiền tệ chung trong kế hoạch phi đô la hóa của nhóm.

Chú thích ảnh
Tổng thống Brazil Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi). Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh nhóm BRICS tại Johannesburg, ông Godongwana chia sẻ: "Không ai đưa ra vấn đề về tiền tệ BRICS, ngay cả trong các cuộc họp không chính thức".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Godongwana khẳng định các thành viên của Nhóm, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang đánh giá các biện pháp khác để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Vị quan chức Nam Phi giải thích rằng việc thiết lập một đồng tiền chung đồng nghĩa với việc phải thành lập một ngân hàng trung ương, và cũng khiến sự độc lập về chính sách tiền tệ mất đi. Chính vì vậy, đến thời điểm này chưa có quốc gia thành viên nào sẵn sàng cho điều đó.

Cùng với đó, quá trình phi đô la hóa đã bắt đầu khi nhóm xem xét các biện pháp khác để cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Và một giải pháp thay thế khả thi là tiến hành giao dịch trực tiếp bằng đồng nội tệ của mỗi quốc gia thành viên.

Ông Godongwana cho biết ngân hàng trung ương của các quốc gia BRICS đang thảo luận về phương thức tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán giữa các quốc gia, đồng thời nhấn mạnh rằng các cơ chế thanh toán thay thế mà nhóm đang nghiên cứu không phải là "chống phương Tây" hay "chống SWIFT".

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS tại Nam Phi đã kết thúc ngày 24/8 với kết quả “mang tính lịch sử” là quyết định mời thêm 6 quốc gia tham gia nhóm, có hiệu lực từ tháng 1/2024. Với việc thêm Argentina, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gia nhập nhóm, số lượng thành viên của BRICS sẽ tăng lên 11, góp phần cân bằng lại trật tự thế giới.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trì trệ và những thách thức nghiêm trọng khác, hội nghị thượng đỉnh BRICS trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 tấn công toàn cầu năm 2020 đã nâng cao tình đoàn kết và hợp tác của các nước BRICS và các nước trong khối Nam bán cầu. Việc mở rộng thành viên lần này, vì vậy, được đánh giá sẽ tạo sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS, tăng cường hơn nữa lực lượng vì hòa bình và phát triển thế giới. Đồng thời, sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng toàn cầu của các thành viên BRICS trong các vấn đề thương mại, cũng sẽ tăng lên đáng kể khi số lượng thành viên từ 5 trở thành 11.

BRICS được đánh giá là lực lượng tích cực và ổn định, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng trật tự thế giới công bằng và bình đẳng bởi nhóm có đại diện từ khắp các châu lục. BRICS hiện chiếm 42% dân số thế giới và 1/4 GDP toàn cầu. Với việc kết nạp thêm thành viên, nhóm được dự báo sẽ chiếm 46,5% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu. Một điều đáng lưu ý nữa là trong số thành viên mới sẽ bao gồm ba nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới là Saudi Arabia, UAE và Iran cùng với các nền kinh tế đang phát triển ở châu Phi và Mỹ Latinh là Ai Cập, Ethiopia và Argentina.

Hoài Nam/Báo Tin tức
BRICS sẽ được hưởng lợi gì khi kết nạp thêm 6 thành viên mới?
BRICS sẽ được hưởng lợi gì khi kết nạp thêm 6 thành viên mới?

Các nước BRICS đã nhất trí kết nạp thêm 6 thành viên mới vào khối. Quá trình mở rộng này sẽ giúp BRICS có thêm các thành viên “nặng ký” - gồm nước có ngân sách dồi dào, nhà xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt và quốc gia có dân số đang bùng nổ với vị trí chiến lược quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN