Nam Phi tuyên bố tình trạng thiên tai quốc gia do mất điện trên toàn quốc

Ngày 9/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia do tình trạng mất điện nghiêm trọng trên toàn quốc và nhấn mạnh việc thiếu điện đang gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nền kinh tế và cơ cấu xã hội.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện than ở Grootvlei, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, trong thông điệp quốc gia hàng năm được phát biểu trước Quốc hội tại Tòa thị chính thành phố Cape Town, Tổng thống Ramaphosa cho biết đất nước đang phải gánh chịu một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc. Tổng thống nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng đã dần dần ảnh hưởng đến mọi thành phần của xã hội. Chúng ta phải hành động để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng đối với nông dân, doanh nghiệp nhỏ, cơ sở hạ tầng nước và mạng lưới giao thông của chúng ta".

Thông qua tuyên bố về cuộc khủng hoảng, Tổng thống Ramaphosa cho rằng việc phối hợp giải quyết khủng hoảng có thể tập trung vào một điểm duy nhất.

Cuộc khủng hoảng thiếu điện đã diễn ra trong nhiều năm tại Nam Phi, được cho là kết quả của sự chậm trễ trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, tham nhũng trong các hợp đồng cung cấp than, tình trạng phá hoại và thất bại trong việc nới lỏng quy định để cho phép các nhà cung cấp tư nhân nhanh chóng đưa năng lượng tái tạo vào khai thác.

Công ty điện lực nhà nước Eskom đang thực hiện việc cắt điện luân phiên hàng ngày trên toàn quốc, khiến các hộ gia đình chìm trong bóng tối, làm gián đoạn hoạt động sản xuất và gây tổn hại cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô. Việc cắt điện dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở quốc gia công nghiệp hóa nhất châu Phi xuống chỉ còn 0,3% trong năm nay.

Trong khi đó, quyết định mới nhất về tình trạng thảm họa quốc gia mang lại cho chính phủ Nam Phi thêm quyền hạn để đối phó với khủng hoảng, bao gồm cả việc cho phép các thủ tục mua sắm khẩn cấp với ít sự quan liêu hơn và giám sát làm chậm trễ quá trình này hơn. Việc tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia trước đây được sử dụng để cho phép các cơ quan y tế phản ứng nhanh hơn với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên lần này, các nhà phân tích nghi ngờ rằng liệu việc tuyên bố này có giúp chính phủ mở rộng nguồn cung cấp điện nhanh hơn hay không. Tổng thống Ramaphosa cho biết: “Tình trạng thảm họa sẽ cho phép chính phủ đưa ra các biện pháp thiết thực cần thực hiện để hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sản xuất, lưu trữ và bán lẻ thực phẩm, bao gồm cả việc triển khai máy phát điện, tấm pin mặt trời và cung cấp điện liên tục”.

Bên cạnh đó, ông Ramaphosa cho biết Tổng kiểm toán sẽ được cử đến để theo dõi chi tiêu và tài trợ liên quan đến cuộc khủng hoảng để đảm bảo rằng nguồn tiền được xử lý một cách thích hợp và để tình trạng cướp bóc tương tự diễn ra trong cuộc khủng hoảng trong đại dịch COVID-19 sẽ không lặp lại. Ngoài việc giám sát cuộc khủng hoảng năng lượng, Tổng thống cho biết ông cũng sẽ lập một bộ trưởng mới trong nhiệm kỳ tổng thống để tập trung hoàn toàn vào giải quyết cuộc khủng hoảng. Tổng thống Ramaphosa khẳng định ông không có kế hoạch dài hạn mới để giải quyết cuộc khủng hoảng mà chính phủ đang tăng gấp đôi kế hoạch năng lượng được công bố vào năm 2022. Ông cho biết: “Chúng tôi tập trung vào những hành động sẽ tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa ngay bây giờ và tạo ra tiến bộ thực sự trong năm tới. Chúng tôi không trình bày một kế hoạch mới, chúng tôi đang tập trung vào những vấn đề mà người dân Nam Phi quan tâm nhất”.

Hồng Minh (TTXVN)
Hơn 3 triệu người Mỹ phải sơ tán vì thiên tai trong năm 2022
Hơn 3 triệu người Mỹ phải sơ tán vì thiên tai trong năm 2022

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các thảm họa tự nhiên trong năm 2022 đã khiến hơn 3 triệu người Mỹ phải sơ tán, trong đó chỉ tính riêng ở bang Florida đã có gần 1 triệu người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN