Nyayiar Kuol bế đứa con gái 1 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng khi hai mẹ con ngồi suốt 16 giờ trên một chiếc sà lan đông đúc để đến bệnh viện gần nhà nhất ở vùng nông thôn Nam Sudan. Trong nhiều tháng, người mẹ 36 tuổi chỉ có thể cho bốn đứa con ăn một lần mỗi ngày. Gia đình cô không thể canh tác vì lũ lụt thảm khốc trong khi nguồn lương thực cứu trợ từ chính phủ hoặc các nhóm viện trợ rất hạn hẹp.
Kuol lo con gái mình có thể chết. “Tôi không muốn nghĩ về những gì có thể xảy ra", cô nói.
Ngồi trên giường bệnh ở thị trấn Old Fangak, bang Jonglei, Kuol cố gắng an ủi con gái và đổ lỗi cho chính phủ vì đã không làm gì hơn. Gần 2 năm đã trôi qua kể từ khi Nam Sudan thành lập chính phủ liên minh như một phần của thỏa thuận hòa bình mong manh nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm khiến đất nước chìm trong nạn đói. Nhưng Kuol cho biết không có gì thay đổi.
“Nếu đất nước này thực sự hòa bình, thì đã không có nạn đói như bây giờ”, cô nói.
Các nhóm cứu trợ cho biết năm nay dự báo sẽ có nhiều người đối mặt nạn đói ở Nam Sudan hơn bao giờ hết. Đó là do hậu quả của thảm hoạ lũ lụt tồi tệ nhất trong 60 năm, trong khi xung đột và việc thực hiện chậm chạp hiệp định hòa bình đã cản trở phần lớn các dịch vụ cơ bản của đất nước.
“Năm 2021 là năm tồi tệ nhất trong 10 năm độc lập của đất nước này và năm 2022 sẽ còn tồi tệ hơn. Tình trạng mất an ninh lương thực đang ở mức khủng khiếp ”, Matthew Hollingworth, đại diện quốc gia của Chương trình Lương thực Thế giới tại Nam Sudan, cho biết.
Báo cáo an ninh lương thực mới nhất của các nhóm viện trợ và chính phủ vẫn chưa được công bố, nhưng một số quan chức nắm rõ tình hình cho hay dữ liệu sơ bộ cho thấy gần 8,5 triệu người - trong tổng số 12 triệu cư dân Nam Sudan- sẽ phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, chiếm hơn 70%, và tăng 8% so với năm ngoái.
Trong các chuyến đi đến ba bang của Nam Sudan vào tháng 12, một số thường dân và quan chức chính phủ bày tỏ lo ngại với hãng tin AP rằng người dân bắt đầu chết đói. Hồi tháng 10/2021, hai mẹ con đã chết đói ở làng Pulpham vì không có thức ăn.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), gần 1 triệu người trên khắp Nam Sudan đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong năm ngoái. LHQ đã phải cắt giảm một nửa viện trợ lương thực ở hầu hết các nơi do hạn chế về kinh phí, ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu người.
Hai năm lũ lụt đã ngăn cản người dân Nam Sudan trồng trọt và giết chết hơn 250.000 vật nuôi ở bang Jonglei - theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ.
Một số gia đình di cư ở Old Fangak cho biết hoa súng là bữa ăn hàng ngày duy nhất của họ. Nyaluak Chuol nói: “Chúng tôi ăn mỗi ngày một lần vào buổi sáng và cho đến tối thì đi ngủ mà không có gì ăn”. Cô gái 20 tuổi này cũng như nhiều người khác đã bị mất lưới đánh cá trong trận lũ.
Nhiều cư dân từ Jonglei đã chạy sang các bang lân cận để kiếm thức ăn và nơi ở nhưng tình hình cũng không khá hơn. Tại thị trấn Malakal, khoảng 3.000 người di cư bị nhồi nhét trong các tòa nhà bỏ hoang hoặc phải trú ẩn dưới những tán cây mà chẳng có gì để ăn.
Một người tên Tut Jaknyang nói với AP: “Chúng tôi đang ăn lá cây và trông giống như những bộ xương”. Người đàn ông 60 tuổi này chỉ nhận được một lần hỗ trợ lương thực kể từ khi sơ tán lũ lụt ở Jonglei vào tháng 7. Ông cho biết một bao gạo cứu trợ phải chia cho 20 người.
Các nhân viên y tế cho biết số lượng trẻ em suy dinh dưỡng đến trung tâm y tế ở thị trấn Wau Shilluk tăng từ 10 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 lên 26 em từ tháng 8 đến tháng 12.
Mặc dù lũ lụt là nguyên nhân chính gây ra nạn đói, nhưng không thể không nhắc đến sự bế tắc của chính phủ khi hai đảng liên minh tranh giành quyền lực.
“Chúng tôi không làm việc như một đội", Byinj Erngst, Bộ trưởng Y tế bang Thượng sông Nile, nói.
Thêm vào căng thẳng chính trị là cuộc giao tranh đang diễn ra giữa chính phủ và lực lượng dân quân liên kết với phe đối lập ở phía tây nam đất nước.
Người phát ngôn của chính phủ Michael Makuei cho biết một số hoạt động cứu trợ như dịch vụ y tế vẫn tiếp tục nhưng chính quyền không cung cấp được nhiều trợ giúp. "Lũ lụt đã tàn phá mùa màng, chính phủ có thể làm gì trong trường hợp đó?", ông Makuei nói.
Sự thất vọng của giới quan sát đang ngày càng tăng. Trong một bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 12, người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Nicholas Haysom, cảnh báo về sự sụp đổ thỏa thuận hòa bình của đất nước nếu tất cả các bên không thay đổi ý chí chính trị của mình.
Jill Seaman, thuộc Tổ chức Cứu trợ Y tế Nam Sudan, với hơn 30 năm kinh nghiệm tại địa phương, kết luận về tình cảnh ở đất nước này: “Không có tài nguyên, không mùa màng và không có bò, không có nơi nào để kiếm thức ăn”.